Sợi dây đắt giá nhất trên xe hơi
(Thethaovanhoa.vn) - Sợi dây nhỏ, trông khá mỏng manh và vẫn được vận hành với thao tác thủ công bằng tay hoàn toàn ngay cả trên các siêu xe, song lại là thứ đắt giá nhất trên chiếc xe hơi của bạn khi xảy ra tai nạn: Seat Belt – dây đai an toàn 3 điểm. Cái giá có thể trả bằng tính mạng…
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, Seat Belt giúp cứu sống và giảm tỷ lệ thương tích trong các vụ va chạm tới hơn một nửa (53-59%). Mỗi năm trên thế giới ước tính sợi dây này đã cứu mạng sống của hơn 1 triệu người và góp phần ngăn chặn khoảng 100.000 ca tử vong khác, cho dù nguyên lý an toàn của nó vô cùng đơn giản: giữ cho người ngồi trong xe không bị văng ra ngoài hay lao về phía trước khi xe dừng lại đột ngột, nói một cách chuyên môn là “triệt tiêu lực quán tính”. Tốc độ xe càng cao thì lực quán tính này càng lớn.
Quan trọng là vậy nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết sợi dây này xuất hiện trên chiếc xe của chúng ta như thế nào và biết cách sử dụng đúng nó.
Dây an toàn được George Cayley, một kỹ sư người Anh, phát minh từ cuối những năm 1800, nhưng ban đầu là để trang bị trên tàu lượn, cho các phi công. Năm 1885, sợi dây này được cấp bằng sáng chế cho một người Mỹ, để giữ an toàn cho khách du lịch trên xe taxi ở New York. Tuy nhiên, phải tới những năm 1930, từ các nghiên cứu thực tế của các bác sĩ Hoa Kỳ, tác động của dây đai an toàn mới được chú ý. Từ năm 1954, các tay đua xe thể thao thi đấu tại Mỹ bắt buộc phải thắt dây an toàn để giúp bảo vệ họ khỏi những chấn thương nội tạng nghiêm trọng.
Bước đột phá thực sự với Seat Belt trên xe hơi đến vào năm 1958 khi kỹ sư người Thụy Điển Nils Bohlin, lúc bấy giờ đang làm việc cho hãng xe Volvo, phát minh ra dây an toàn ba điểm. Trước đó, dây an toàn trên ô tô mới chỉ là dây đai hai điểm quấn ngang thân người, với khóa đặt trước bụng. Thiết kế ba điểm của được tạo ra để giúp cố định người ngồi cả phần trên và phần dưới. Thiết kế dây đai an toàn này lại rất đơn giản và hiệu quả, nên lần lượt được các nhà sản xuất xe hơi khác đưa vào thiết kế tiêu chuẩn của họ. Khi Bohlin qua đời vào năm 2002, Volvo ước tính rằng dây đai an toàn đã cứu sống hơn một triệu người trong 4 thập kỷ kể từ khi nó được giới thiệu.
Đến năm 1975, hầu hết các quốc gia thuộc thế giới thứ nhất đều có quy định thắt dây an toàn trên ô tô khi di chuyển. Luật thắt dây an toàn đầu tiên trên thế giới được ra đời ở Victoria, Úc, năm 1970. Luật này yêu cầu hành khách trên xe hơi ở tất cả các vị trí phải luôn thắt dây an toàn khi xe di chuyển.
- Từ 1/1/2018, ngồi ghế sau ô tô không thắt dây an toàn sẽ bị xử phạt
- Thắt dây an toàn - Thói quen để giữ mạng sống
Ở Việt Nam năm 2016 mới chính thức luật hoá có chế tài xử phạt đến 200 ngàn đồng nếu “không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy”. Tuy nhiên tiền phạt không bằng những gì đã diễn ra trong thực tế với những tai nạn thương tâm, đặc biệt trên cao tốc (xe đi tốc độ cao) khi việc không sử dụng dây đai an toàn trên xe có thể phải trả bằng mạng sống.
Phan Ka (tổng hợp)
Bạn có đang thắt dây an toàn đúng cách? - Đai vai phải luôn nằm ngang giữa ngực và không bao giờ quàng qua cổ, sau lưng hoặc dưới cánh tay của bạn. - Túi khí không thay thế cho dây an toàn, ngược lại chỉ có thể hoạt động an toàn khi bạn thắt Seat Belt đúng cách. Nếu gặp tai nạn mà không thắt đai an toàn, bạn có nguy cơ bị văng khỏi xe, va vào nội thất hoặc gây hại cho những hành khách khác và trong những trường hợp này, túi khí của xe có thể làm bạn bị thương nặng hơn, thậm chí tử vong. |