Số người chết do ngộ độc thực phẩm tăng, chủ yếu là do ngộ độc methanol trong rượu
(Thethaovanhoa.vn) - Từ đầu năm đến nay, hơn 23 nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) trên cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 625 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện gần 124 nghìn cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số tiền hơn 61 tỷ đồng, qua đó đình chỉ hoạt động 611 cơ sở, đình chỉ lưu hành 1.978 loại thực phẩm do không bảo đảm chất lượng ATTP.
- Điều tra vụ 142 học sinh tiểu học nghi bị ngộ độc thực phẩm
- Tuần lễ An toàn thực phẩm Tết 2018, mang đặc sản đến 'Bữa ăn an toàn' ngày tết
- Hà Nội xây dựng thí điểm tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm trước khi nhân rộng
Đáng chú ý, mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2017 giảm so với năm 2016 nhưng số người chết do ngộ độc thực phẩm tăng 12 người, chủ yếu là do ngộ độc methanol trong rượu, độc tố tự nhiên.
Trên thực tế, vấn đề bảo đảm ATTP vẫn đáng lo ngại, trong đó mối lo lớn nhất đối với cơ quan quản lý và người tiêu dùng là hệ thống giám sát ATTP cấp cơ sở còn lỏng lẻo. Nhiều địa phương mặc dù đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, song tỷ lệ xử lý các trường hợp vi phạm còn thấp, hoặc xử lý chưa đủ sức răn đe.
Theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP thì chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt đến năm triệu đồng các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực ATTP, nhưng thời gian qua, có đến 80% số đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến xã, phường chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, hoặc xử phạt mức thấp hơn.
Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP tuyến cơ sở chưa có chuyên môn sâu về ATTP, hiểu và áp dụng các văn bản hướng dẫn không đúng; thiếu trang, thiết bị phục vụ công tác lấy mẫu, xét nghiệm. Năng lực kiểm nghiệm của tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu trong việc giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, nhất là đối với sản phẩm tươi sống. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên, thậm chí, còn tình trạng nội dung thông tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây giảm niềm tin của người dân đối với công tác quản lý ATTP; nội dung, hình thức, tần suất triển khai các đợt truyền thông còn thấp, chưa phong phú…
Trong khi đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ, còn tồn tại nhiều chợ tạm, chợ cóc dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc các loại thực phẩm tại khu vực này gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, nhất là bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các bộ, ngành, chính quyền các cấp cần tăng cường tập huấn, đào tạo chuyên môn cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP; nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách ATTP của các tuyến, đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động bảo đảm ATTP tại các địa phương. Việc xử phạt các trường hợp vi phạm phải nghiêm minh theo đúng quy định, bảo đảm tính răn đe của pháp luật.
Bên cạnh đó, các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, nhất là các sản phẩm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết như bánh, kẹo, bia, rượu, các loại thực phẩm tươi sống... Các cơ quan quản lý cần phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP, người tiêu dùng cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm...