Siêu bão Mangkhut: Giao thông công cộng bị ảnh hưởng nặng nề tại Quảng Đông và Hải Nam (Trung Quốc)
(Thethaovanhoa.vn) - Siêu bão Mangkhut đã khiến hơn 400 chuyến bay tại hai sân bay của tỉnh đảo Hải Nam, cực Nam Trung Quốc, phải hủy bỏ trong ngày 16/9, trong khi toàn bộ khu nghỉ dưỡng ven biển và tất cả các trường học trên hòn đảo này đã phải đóng cửa.
- CẬP NHẬT: Bão số 6 - Siêu bão Mangkhut giật cấp 16 vào đất liền Trung Quốc, Đông Bắc Biển Đông sóng lớn
- Siêu bão Mangkhut - Bão số 6 giật cấp 16 tăng tốc đổ bộ đất liền
- Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo đỏ đối với siêu bão Mangkhut
Giao thông công cộng bị ảnh hưởng nặng nề tại Quảng Đông và Hải Nam (Trung Quốc)
Sở Du lịch tỉnh Hải Nam đã ra lệnh toàn bộ khu vực sân khấu, trường học và hoạt động ngoài trời phải ngừng hoạt động trong ngày 16/9 và sáng 17/9. Tỉnh Quảng Đông cũng đưa ra các cảnh báo tương tự.
Theo trạm khí tượng tỉnh, siêu bão Mangkhut đã đổ bộ vào thành phố Giang Môn (Jiangmen), tỉnh Quảng Đông (Guangdong) từ 17h00 chiều nay với sức gió mạnh tới 162km/h. Các khu vực miền Nam Trung Quốc gồm Quảng Đông, Hải Nam, Khu tự trị Choang Quảng Tây (Guangxi) đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và gió mạnh trong sáng nay.
Trước đó, toàn bộ tàu đánh cá ở các thành phố duyên hải tỉnh Quảng Đông đã được gọi quay về cảng. Dịch vụ tàu bè ở Eo biển Quỳnh Châu (Qiongzhou) nối Quảng Đông với Hải Nam đã phải ngừng hoạt động từ sáng 15/9. Các chuyến bay tại sân bay Thâm Quyến (Shenzhen) cũng đã phải hủy trong ngày 16/9 cho đến 8h00 ngày 17/9. Toàn bộ dịch vụ đường sắt đường dài qua thành phố này cũng đã phải ngừng phục vụ từ 18h00 ngày 15/9.
Ngày 16/9, gần như toàn bộ dịch vụ giao thông công cộng tại các thành phố duyên hải tỉnh Quảng Đông đã phải ngừng, và các tuyến đường cao tốc ven biển phải đóng cửa. Đồ tạp phẩm tại các siêu thị ở thành phố Quảng Châu (Guangzhou), thủ phủ tỉnh Quảng Đông, đã gần như được bán hết từ sáng 16/9. Sở Thương mại thành phố đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo bình ổn giá lương thực.
Trong khi đó, Sở Dân phòng Quảng Đông đã mở 3.777 khu tạm tránh trú bão để giúp người dân cần nơi trú ẩn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và sơ tán 100.000 người khỏi các vùng bão có thể quét qua.
Tỉnh Quảng Đông cũng điều quân đội tới các thành phố duyên hải, chuẩn bị 1.000 xuồng cứu hộ, và đồ cứu hộ khẩn cấp. Các cơ quan khí hậu tỉnh đã cung cấp thông tin giám sát cập nhật trực tiếp về diễn biến của bão thông qua truyền thông và cảnh báo bão trên điện thoại di động.
Siêu bão Mangkhut đang đổ bộ vào miền nam Trung Quốc
Tỉnh Quảng Đông đã bật cảnh báo cao nhất với Mangkhut, siêu bão cũng đã quét qua Hong Kong (thuộc Trung Quốc), nơi nó thôi bay các cửa sổ và gây ảnh hưởng nặng nề tới các tòa nhà chọc trời.
Số người thiệt mạng ở Philippines đã tăng lên từ 30 tới 49 người – nguyên nhân chủ yếu là vì lở đất do mưa lớn.
Mangkhut được coi là cơn bão lớn nhất năm 2018.
Mangkhut ảnh hưởng gì tới Trung Quốc?
Siêu bão Mangkhut đã đổ bộ vào bờ biển Trung Quốc, gần thành phố Giang Môn (Quảng Đông) vào chiều Chủ nhật, theo phương tiện truyền thông nước này.
Hàng ngàn người đã được sơ tán khỏi Quảng Đông và chính quyền tỉnh đã ban hành mức cảnh báo cao nhất, cảnh báo đỏ.
Tại Hong Kong, chính quyền cũng đã ban hành cảnh báo tối đa, người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà để tránh các mảnh vụn bay. Tốc độ gió theo ghi nhận lên tới 117km/h. Mực nước dâng lên gần 3,5m và cá bơi lội trên đường phố.
Theo các quan chức, có 111 người bị thương.
Hầu hết các cửa hàng và dịch vụ công đều đóng cửa. Hơn 800 chuyến bay tại sân bay quốc tế Hong Kong bị hủy, ảnh hưởng tới hơn 100.000 hành khách.
Tuy vậy, không phải ai cũng chú ý tới những cảnh báo. “Tôi chạy bộ sáng nay. Tôi thích không khí tươi mát và không có ai trên đường, cả xe ô tô cũng không. Không thể thấy cảnh này vào ngày thường”, một người ở Hong Kong chia sẻ với AFP.
Ở Macau, lần đầu tiên trong lịch sử, các sòng bạc nổi tiếng được yêu cầu phải đóng cửa.
Mangkhut dự kiến sẽ suy yếu vào thứ Ba khi nó đi sâu vào lục địa.
Philippines chịu thiệt hại nặng nề ra sao?
Hầu hết các trường hợp thiệt mạng ở Philippines là do lở đất ở vùng Cordillera và Neuva Vizcaya, theo các quan chức.
Trong số những người thiệt mạng có một bé mới sinh và một bé đang tuổi tập đi. Đường xá bị chặn và truyền thông ngắt quãng, tức là các thông tin thiệt hại sẽ vẫn còn phải cập nhật.
Siêu bão Mangkhut đổ bộ vào Philippines hôm thứ Bảy, rạch qua đảo chính Luzon. Có năm triệu người trên đường đi của bão và hơn 100.000 đang tập trung ở các lán trú tạm thời.
Ngoài ra, còn có lo ngại về thiệt hại kinh tế do bão gây tổn hại lớn tới Cagayan, một tỉnh trọng điểm về nông nghiệp.
Francis Tolentino, cố vấn chính trị cho Tổng thống Rodrigo Duterte, nói với BBC rằng ông ước tính chỉ có khoảng 1/5 nông sản được thu hoạch trước bão.
Philippines thường xuyên bị ảnh hưởng trong mùa bão nhưng sức tàn phá của bão Mangkhut gợi lại những ký ức về cơn bão nguy hiểm nhất từng xảy đến ở đây là Haiyan, siêu bão khiến hơn 7.000 người thiệt mạng vào năm 2013.
Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, quy trình chuẩn bị và sơ tán đã được cải thiện hơn nhiều. Cảnh báo đã được ban hành, du lịch hạn chế, trường học đóng cửa và quân đội được đặt ở chế độ sẵn sàng đón bão.
30 thợ mỏ thiệt mạng vì lở đất ở miền Bắc Philippines
Trung tướng Emmanuel Salamat (Em-ma-nu-en Xa-la-mát), Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines tại Bộ Chỉ huy Bắc Luzon (Lu-dông), cho biết tổng cộng 43 thợ mỏ bị mắc kẹt khi bão Mangkhut quét qua quốc đảo này sáng 15/9. Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm các thợ mỏ bị kẹt bên trong.
Một cơ quan chính phủ về thiên tai cho biết bão Mangkhut đã gây ra tổng cộng 81 vụ lở đất và 13 sự cố ngập lụt riêng tại Vùng hành chính Cordillera (Co-đi-lê-ra). Bão Mangkhut, được Philippines gọi là bão Ompong, là trận bão thứ 15 và mạnh nhất trong năm nay đổ bộ vào Philippines.
Quốc đảo này thường phải hứng chịu 20 trận bão mỗi năm, đem theo gió mạnh và mưa lớn, gây ngập lụt, thiệt hại lớn đối với mùa màng, nhà cửa và các công trình xây dựng, đồng thời gây thiệt hại về người. Năm 2013, siêu bão Hải Yến đã quét qua tỉnh Leyte (Lây-tê) ở miền Trung Philippines, làm hơn 6.000 người thiệt mạng.
Hong Kong (Trung Quốc) bị thiệt hại nặng
Phóng viên TTXVN tại Hong Kong đưa tin, bắt đầu từ 7h ngày 16/9, chính quyền các Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macau (Trung Quốc) đã cùng kích hoạt hệ thống cảnh báo bão cấp 10, cấp cao nhất theo tiêu chuẩn, đồng thời đưa ra mức cảnh báo mưa lũ Đỏ, dưới một mức so với mức cảnh báo mưa lũ cao nhất là mức Đen.
Cục Thủy lợi Hong Kong cho biết khi siêu bão Mangkhut đổ bộ, toàn Hong Kong có 5 khu vực bị ngập lụt, trong đó nặng là khu vực làng chài Lý Ngư Môn (Lei Yue Mun) trên đảo Cửu Long (Kowloon) với lượng nước đo được lên tới hơn 1m. Tại đảo Trường Châu (Cheung Chou), hòn đảo cực Nam của bán đảo Hong Kong, sức gió mạnh nhất đo được là từ 135 - 155km/h, sóng biển dâng cao từ 5 - 9m. Gió mạnh đã khiến cây trên các tuyến đường và trong các công viên trên toàn Hong Kong gẫy đổ, cửa kính của nhiều tòa nhà cao tầng bị vỡ vụn.
Do chịu ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut, trong ngày 16/9 có tới 889 chuyến bay từ sân bay quốc tế Chek Lap Kok của Hong Kong bị hủy. Hệ thống đường sắt, bao gồm cả hệ thống tàu điện ngầm, buộc phải ngừng hoạt động các tuyến lộ thiên và trên cao, trong khi hệ thống tàu điện ngầm cũng chỉ phục vụ hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt nội đô của Hong Kong cũng ngừng hoạt động. Các trường học và trung tâm thương mại, công sở đóng cửa, chỉ còn lại lực lượng cứu hộ túc trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ.
Do có sự chuẩn bị đối phó từ trước, hiện chưa có thông tin về người mất tích hay bị thiệt mạng do siêu bão Mangkhut gây ra. Tuy nhiên, gần 800 người đã phải rời nhà tránh bão tại Trung tâm lánh nạn tạm thời của Cục Dân chính Hong Kong và khoa cấp cứu tại các bệnh viện trên toàn Hong Kong tiếp nhận 111 người bị thương.
Sau khi đổ bộ vào phía Bắc đảo Luzon (Lu-dông) của Philippines vào ngày 15/9 với sức gió 220 km/h, siêu bão Mangkhut với sức gió giật cấp 17 đã đổi hướng, chếch lên phía Bắc. Bắt đầu từ 8 giờ ngày 16/9 siêu bão Mangkhut đổ bộ vào Hong Kong và Macau của Trung Quốc. Tâm bão cách Hong Kong và Macau khoảng 100 km về phía Nam. Với sức gió từ 150 - 170km/h và phạm vi hoàn lưu rộng, siêu bão Mangkhut đã tàn phá và gây ảnh hưởng nặng nề đối với hai đặc khu hành chính của Trung Quốc này.
Trước đó, như các nhà chức trách đưa ra cảnh báo về mối đe dọa của cơn bão, những cơn gió mạnh đã xé toạc mái nhà và làm hư hại một phần căn nhà ở Hong Kong (Trung Quốc) như trong clip dưới dây. Thành phố gần như hoàn toàn đóng cửa, người dân đều trú ngụ trong nhà.
Siêu bão Mangkhut mang đến sự tàn phá khi đi qua Hong Kong (Trung Quốc)
Theo HKO, hiện tại, Mangkhut ở vị trí 100km theo hướng Tây-Tây Nam của Hong Kong và đang tiến về đồng bằng châu thổ sông Pearl - nơi có 120 triệu người ở đó.
Đây là lần thứ 15 mức cảnh báo được nâng lên cấp độ T10 trong vòng 60 năm qua ở Hong Kong và lần cuối cùng là siêu bão Hato năm ngoái.
Những hình ảnh điêu tàn khi Mangkhut đi qua Philippines và Hong Kong (Trung Quốc) hôm 15/9 và hôm nay (16/9):
Nhóm Phóng viên
Theo CNN, TTXVN, BBC