SEA Games 32: Nỗ lực bất thành của bơi lội Việt Nam
Chỉ tiêu giành 8 HCV của đội tuyển bơi Việt Nam đã không thể hoàn thành trong ngày thi đấu cuối cùng ở SEA Games 32.
Lực bất tòng tâm
Ngày thi đấu cuối cùng của môn bơi, mọi hy vọng đổ dồn vào Nguyễn Huy Hoàng và Phạm Thanh Bảo để hướng đến việc hoàn tất chỉ tiêu có được 8 HCV của đội tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games 32.
Nguyễn Huy Hoàng tranh chung kết liên tiếp 2 nội dung 400m tự do và 200m bướm với quãng nghỉ chỉ tầm 10 phút. Đây đều là 2 nội dung mà nam kình ngư này đang là đương kim vô địch SEA Games. Những khó khăn của Huy Hoàng khá giống với Nguyễn Thị Oanh ở điền kinh khi thi đấu liên tiếp 2 cự ly 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật. Bà Lê Thanh Huyền, phụ trách môn bơi Tổng cục TDTT VN, cho biết lịch thi đấu môn bơi đã được BTC lên từ đầu, ở buổi họp kỹ thuật trước giải, phía đoàn Việt Nam có ý kiến việc này nhưng không được thay đổi nên chúng ta phải chấp nhận.
Đúng như kỳ vọng, Nguyễn Huy Hoàng đã về nhất ở nội dung 400m tự do nam. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng không cho các đối thủ cơ hội gây bất ngờ ở đường bơi 400m tự do nam, nội dung anh từng lập kỷ lục tại SEA Games 31. Xuất phát chậm hơn 2 VĐV Singapore và Malaysia nhưng Huy Hoàng nhanh chóng vươn lên dẫn đầu rồi giữ vị trí trong 200m cuối. Huy Hoàng về nhất với thành tích 3 phút 49 giây 50.
Ở nội dung 200m bướm diễn ra ngay sau đó, Huy Hoàng đối mặt với đối thủ cực mạnh là Zheng Wen Quah (Singapore) vốn có thông số thành tích đăng ký đầy ấn tượng 1 phút 56 giây 42. Huy Hoàng cũng thi đấu nội dung này nhưng chỉ về thứ tư với thời gian 2 phút 01 giây 28.
Có thể nhận thấy, thành tích của Huy Hoàng so với các đối thủ ở giải lần này không có chênh lệch quá xa, khác với những giải đấu trước. Huy Hoàng chia sẻ:"Đúng là thành tích của em ở giải lần này không tốt lắm. Tuy vậy, đây mới chỉ là giải đấu đầu tiên trong năm, nên em sẽ cố gắng luyện tập, làm sao để đến ASIAD có thể bộc lộ hết khả năng của mình".
Điều tiếc nuối lớn nhất của Huy Hoàng là chưa thể đạt chuẩn A Olympic ở ngay SEA Games 32. Tuy nhiên, Huy Hoàng cho biết đây là tính toán của BHL, làm sao để điểm rơi phong độ vào thời điểm diễn ra ASIAD 19: "Theo tính toán của BHL thì điểm rơi phong độ của em phải là ở ASIAD cho nên thành tích và kết quả thi đấu hôm nay của em cũng không có gì khiến em phải buồn hết".
Trong khi đó, Phạm Thanh Bảo dù đang là ĐKVĐ ở nội dung 50m ếch nhưng năm nay, anh vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ như Felix Iberle (Indonesia), Nicholas Rui (Singapore), Goh Zheng Yen (Malaysia). Phạm Thanh Bảo chỉ về hạng 5 nội dung 50m ếch, không bảo vệ được HCV. Như vậy kình ngư này khép lại SEA Games 32 với 2 HCV, 2 kỷ lục ở nội dung 100m ếch, 200m ếch. Trong ngày "khóa sổ" môn bơi, VĐV Võ Thị Mỹ Tiên cũng đã có được tấm HCĐ 800m tự do nữ với thành tích 8 phút 56 giây 07. Kình ngư Hồ Nguyễn Duy Khoa mang về thêm một HC đồng nội dung 200m bướm với thành tích 2 phút 0 giây 06.
Áp lực lớn trước thềm ASIAD 19
Nguyễn Huy Hoàng được xem là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam tại đấu trường số 1 châu lục. Tại ASIAD 2018, Huy Hoàng đã giành 1 HCB nội dung 1.500m tự do với thành tích 15 phút 01 giây 63 và 1 HCĐ nội dung 800m tự do với thành tích 7 phút 54 giây 32. Để có thể giành được huy chương ở ASIAD 19, Huy Hoàng sẽ tranh đua với những đối thủ chính là 3-4 kình ngư của Trung Quốc, Nhật Bản. Đây đều là những đối thủ rất mạnh. Thông số thành tích của những VĐV này không chênh lệch với Huy Hoàng bao nhiêu.
Đúng như nhận định ban đầu, bơi Việt Nam sẽ gặp những khó khăn tại SEA Games 32 với nhiều lý do khác nhau. 2 kỳ SEA Games 31 và 32 chỉ cách nhau 1 năm là quãng thời gian chưa đủ để các nước, trong đó có Việt Nam đầu tư, trình làng lứa VĐV mới. Thời gian ngắn như thế nên bơi Việt Nam chưa thể có được VĐV nam nữ trưởng thành nhanh được. Với đội tuyển bơi Việt Nam với những VĐV còn rất trẻ như Hồ Nguyễn Duy Khoa, Mai Trần Tuấn Anh, Nguyễn Quang Thuấn (Quân đội) đều có tiềm năng nhưng phải chờ thêm thời gian.