Lễ khai mạc SEA Games 31: Hứa hẹn mãn nhãn nhờ công nghệ mapping và thực tế ảo
Đến thời điểm gần sát ngày mở màn chính thức của SEA Games 31 (diễn ra vào lúc 20h00 ngày 12/5), kịch bản cụ thể vẫn được e-kip đạo diễn Lễ khai mạc “bí mật đến phút chót”. Thậm chí, buổi sơ duyệt (tối 9/5) và tổng duyệt (10/5) trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình cũng được giữ bí mật, với mong muốn của những người thực hiện là để tạo nên hiệu ứng bất ngờ một cách tối đa từ Lễ khai mạc.
Thậm chí, buổi sơ duyệt (tối 9/5) và tổng duyệt (10/5) trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình cũng được giữ bí mật, với mong muốn của những người thực hiện là để tạo nên hiệu ứng bất ngờ một cách tối đa từ Lễ khai mạc.
Đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường cho biết, Lễ khai mạc sẽ sử dụng hai công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa hiện đại (mapping) và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), song “nội dung xây dựng như thế nào mới quan trọng, công nghệ chỉ bổ trợ cho tất cả các tiết mục, tạo sự hoành tráng mà trong sân khấu đơn thuần truyền thống không đáp ứng được”, ông Cường nhấn mạnh.
Thể hiện một Việt Nam bản sắc và hiện đại
Tất cả các màn trình diễn đều hòa trộn các yếu tố âm thanh, ánh sáng, phần trình diễn 3D mapping, công nghệ AR và phần múa của diễn viên. Ông Cường cho biết, “Mỗi phần trình diễn đều là sự kết hợp của từng đó yếu tố tính từng giây từng khoảnh khắc. Riêng phần 3D mapping kết hợp múa thì làm sao cho nó là một thể gắn kết. Toàn bộ chương trình 120 phút, chúng tôi chuẩn bị khá lâu để ra tiết mục như thế này”.
Một trong những màn được e-kip “dụng công” nhất là màn kết “Chung một dòng chảy” với bài hát chính thức của đại hội Let’s shine (nhạc sĩ Huy Tuấn). Đó là hình ảnh con thuyền ASEAN xuất hiện, cảnh tượng hoành tráng với 32 khinh khí cầu bay trên sân Mỹ Đình, cùng 5 phút pháo hoa rực rỡ. Gần 1.000 diễn viên thực hiện chào màn kết, thể hiện tinh thần đoàn kết, sự giao thoa văn hóa nói chung. Màn kết tổng lực với tất cả các công nghệ, đạo cụ, gần 67 nghìn ngọn đèn chiếu sáng tạo nên một cảnh tượng vô cùng sôi động, đầy màu sắc. “Tôi nghĩ, đó là một tiết mục sẽ ấn tượng với bạn bè trong nước và quốc tế”, ông Cường khẳng định.
Xem ở nhà đẹp hơn xem trực tiếp trên sân?
Ông Nguyễn Hữu Thanh, chuyên gia cố vấn hình ảnh, điều phối kỹ thuật công nghệ đêm khai mạc, bế mạc SEA Games cho biết, yêu cầu của Tổng đạo diễn Trần Ly Ly, là làm sao truyền tải được mọi hình ảnh đẹp nhất, mãn nhãn nhất trên sóng truyền hình và tại hiện trường. Đó là hình ảnh 3D, 4D được tạo nên từ công nghệ, chẳng hạn như hình ảnh những chú rồng rất đẹp bay lượn vòng quanh sân Mỹ Đình trông “như thật”.
Với một chương trình thường dùng khoảng 8-10 camera, song riêng đêm khai mạc, sẽ huy động 20 camera, trong đó 3 camera thực hiện 3D kỹ xảo để tất cả các góc từ toàn cảnh, trên khán đài, thậm chí từ trên cao chừng 50-100m so với mặt sân khấu để ghi lại toàn bộ sàn mapping, những nhiều tiết mục, hình ảnh diễn viên trình diễn các động tác múa.
E-kip công nghệ vận hành và kết nối các máy quay để lấy những khoảnh khắc đẹp nhất, đưa lên sóng truyền hình không những phục vụ 90 triệu người dân Việt Nam, mà còn cho khán giả khu vực.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thanh, với công nghệ mapping và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), khán giả xem qua truyền hình, smartphone, mạng xã hội sẽ cảm nhận được thực sự hiệu ứng tuyệt vời của công nghệ. Chẳng hạn, với màn rồng bay lượn, khán giả xem truyền hình sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh thăng hoa sống động khi chú rồng bay lượn từ tâm mặt sàn sân khấu (8 nghìn mét vuông) của sân Mỹ Đình, cuộn tròn rồi bay lượn vòng quanh sân khấu và toàn bộ trên sân Mỹ Đình. Trống đồng xoay tạo không gian lung linh huyền ảo. Trong khi đó, khán giả trên sân chỉ thấy chú rồng trên màn hình dựng của sân khấu (8 trăm mét vuông).
Với công nghệ thực tế ảo, trên sân Mỹ Đình, trong khi có những hình ảnh khán giả sẽ không thấy được, vì là “ảo tăng cường”, thì khán giả xem qua các nền tảng lại thấy được. Đó là công nghệ hiện đại mà thế giới sử dụng như các kỳ Olympic tại Rio (Brazil), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc), và các kỳ SEA Games ở Singapore hay Malaysia. “Việt Nam học hỏi công nghệ thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi đăng cai mùa SEA Games 31 này”, ông Thanh khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, “sự công phu, tâm huyết nhất thuộc về e-kip sáng tạo, sản xuất hình ảnh và đồ họa, công nghệ chỉ góp phần hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện chưa được phép show ra nên tôi chỉ tiết lộ rằng chương trình rất đẹp, đẹp tuyệt vời!”.
Hình ảnh các quốc gia tham dự trên chất liệu tranh Đông Hồ Theo e-kip sáng tạo, một trong những màn ấn tượng nhất trong lễ khai mạc là màn trình chiếu mapping 4D trên chất liệu tranh Đông Hồ. Theo đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường, lý do để e-kip chọn tranh Đông Hồ giới thiệu tới bạn bè quốc tế bởi đây là nét văn hóa đặc trưng của Bắc Ninh, với giá trị đặc sắc khó có quốc gia nào trên thế giới có được. Trên chất liệu tranh Đông Hồ, hình ảnh của các quốc gia tham dự SEA Games 21 được thể hiện với những nhận diện, màu sắc sống động, “như một lời chào rất thân thương của khán giả Việt Nam, là những bức tranh đẹp mà nước chủ nhà dành tặng các nước bạn Đông Nam Á”, ông Cường cho biết. Phần cuối của màn tranh Đông Hồ, e-kip dùng chính chất liệu tranh Đông Hồ “biến hình” linh vật SEA Games 31 – chú Sao La một cách sinh động trong 40 môn thể thao thi đấu đại hội lần này. *** Trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình vào thời điểm gần sát ngày khai mạc SEA Games 31, e-kip đạo diễn, chuyên gia, nghệ sĩ, cùng gần 1.000 diễn viên đang gấp rút hợp luyện, trau chuốt, hoàn thiện hơn các tiết mục cho đêm mở màn chính thức Đại hội thể thao khu vực. Tổng đạo diễn, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, chị áp lực nhưng hạnh phúc vì xung quanh có những người đồng đội – những nghệ sĩ sáng tạo cùng 1.000 diễn viên đã chung sức đồng lòng với chị trong thời gian qua. Trong gần 2 tháng, e-kip đã chia nhỏ các nhóm tập luyện ở nhiều địa điểm, sau đó tập chung ở Cung Điền kinh. Tối 8/5 mới là buổi hợp luyện đầu tiên trên sân Mỹ Đình với đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, hệ thống mapping, thực tế ảo. Tối 9/5 sơ duyệt và 10/5 tổng duyệt trước khi bước vào Lễ khai mạc chính thức 12/5. |
Ngân Lượng