Sẽ phát triển Bạch Mã thành trung tâm du lịch sinh thái đẳng cấp
(Thethaovanhoa.vn) - Ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lập quy hoạch phát triển Bạch Mã thành trung tâm du lịch sinh thái đẳng cấp; theo đó trong quy hoạch phát triển cần đánh giá tác động đến các yếu tố môi trường đối với từng quy hoạch chi tiết, đưa ra các giải pháp bảo vệ Vườn quốc gia Bạch Mã, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và ô nhiễm không khí cùng các tác động rủi ro, sự cố...
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã khoảng 400 ha, chia làm 2 khu vực chính. Khu vực 1 gồm đất xây dựng hạ tầng đường Bạch Mã, trạm cơ sở và tuyến cáp treo du lịch (dài khoảng 4 km). Khu vực 2 là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã (khoảng 300 ha), quy mô khách du lịch đến khoảng 500 nghìn người giai đoạn 2020 - 2030 và 1 triệu lượt khách sau năm 2030.
Về chi tiết, quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã gồm có quy hoạch giao thông, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan. Đối với quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan, dựa trên các địa điểm có sẵn được người Pháp nghiên cứu và phát triển trước đây, các khu chức năng được quy hoạch hợp lý và điều chỉnh những yếu tố không còn phù hợp đi đôi với quy hoạch mới, thêm vào những chức năng mới để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu du khách và nhu cầu phát triển trong tương lai.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức nhiều hội thảo về việc quy hoạch và phát triển Khu du lịch sinh thái Bạch Mã nhằm vừa phát huy, khai thác tốt giá trị vốn có của Vườn quốc gia Bạch Mã nhưng cũng quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học ở đây. Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với đơn vị lập quy hoạch và chuyên gia tư vấn để nghiên cứu kỹ một số vấn đề trong quy hoạch phân khu xây dựng để sớm hoàn thành quy hoạch nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và khai thác tốt các giá trị thiên nhiên của Vườn quốc gia Bạch Mã, tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch sinh thái tại nơi đây.
Vườn quốc gia Bạch Mã hiện là một trong 7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay tiềm năng du lịch sinh thái ở Bạch Mã vẫn chưa được khai thác đúng mức. Ngoài sự cần thiết của việc triển khai thực hiện quy hoạch và hình thành các khu du lịch tại khu vực Bạch Mã, các ngành và đơn vị liên quan chú trọng phát huy tối đa giá trị về cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Bạch Mã; sử dụng một cách hợp lý, gắn kết với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững thông qua phát triển du lịch sinh thái.
Tọa lạc trên vùng núi cao với khí hậu mát mẻ và mưa nhiều, nơi đây còn lưu giữ cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và hùng vĩ. Vườn quốc gia Bạch Mã đã được Chính phủ phê duyệt thành lập vào năm 1991, có diện tích 22.031 ha và vùng đệm 21.300 ha. Năm 2008, Vườn quốc gia Bạch Mã được Thủ tướng điều chỉnh mở rộng với tổng diện tích từ hơn 22.000 ha lên gần 37.500 ha.
Vườn quốc gia Bạch Mã có hầu hết các đỉnh núi cao từ 1.000-1.444 m. Thảm thực vật ở đây khá phát triển, thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa cận nhiệt đới (á nhiệt đới) ở địa hình cao trên 1.000 m và kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên địa hình dưới l.000 m. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, địa hình núi cao, lớp phủ thực vật rừng dày nên chế độ nhiệt ẩm Vườn quốc gia Bạch Mã tương đối ổn định. Nhiệt độ trung bình năm 16-22 độ C, tháng lạnh nhất 5-8 độ C, tháng nóng nhất không vượt quá 25 độ C. Lượng mưa trung bình năm lớn nhất Việt Nam, phổ biến là 3.400-4.000 mm/năm.
Vườn quốc gia Bạch Mã có tới 16.900 ha rừng nguyên sinh che phủ. Trong rừng có 1406 loài thực vật, trong đó có nhiều loại gỗ quý như trò chỉ, kiền, giẻ hương, gõ, tùng...; trên 300 loài cây thuốc quý như ba gạc, bình vôi, lá khôi, cây 7 lá 1 hoa... Hệ động vật ở Bạch Mã có tới 931 loài, bao gồm 83 loài thú, trong đó nhiều loài quý hiếm như gấu, báo, hổ, sao la...; 333 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 39 loài cá, 218 loài bướm, 178 loài côn trùng cánh cứng ăn lá, 28 loài mối. Ðặc biệt, Bạch Mã là nơi cư trú của loài chim quý như trĩ sao và gà lôi lam mào trắng.
Trước đây, vào năm 1932, người Pháp đã cho xây dựng tại Bạch Mã một khu nghỉ mát lớn nằm ở độ cao từ 1.000 - 1.444 m so với mực nước biển. Khu nghỉ mát có 139 biệt thự, chợ, ngân hàng, bưu điện, hồ bơi, sân quần vợt và một hệ thống đường dài 19km nối quốc lộ 1A với khu trung tâm Bạch Mã. Hiện nay, khu biệt thự cổ đã được Ban Quản lý vườn quốc gia Bạch Mã cho trùng tu, tôn tạo thành khu nghỉ dưỡng cho du khách, mang tên Đỗ Quyên, Sao La, Kim Giao...
Quốc Việt/TTXVN