Sau vinh danh, làm gì để bảo vệ di sản Then cho nhân loại?
(Thethaovanhoa.vn) - “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một tin vui cho văn hóa Việt Nam vào những ngày cuối năm 2019, đặc biệt đối với các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể của di sản Then.
Tuy nhiên, phía sau những mừng vui và tự hào vẫn thấp thoáng có những nỗi lo với câu hỏi: Phải làm gì, làm như thế nào để di sản Thực hành Then thực sự được bảo tồn và phát huy giá trị, đúng với tầm vóc di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?
Nhiều cảm xúc
Ngay sau khi Then được UNESCO vinh danh, niềm vui, sự tự hào có lẽ là tâm trạng dễ thấy nhất ở những nhà văn hóa, giới nghiên cứu và đặc biệt là cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái, chủ thể của di sản. Trưởng thành từ di sản này, giảng viên đàn hát Then Nguyễn Văn Bách (Nghệ danh Xuân Bách) chia sẻ, khi “Thực hành Hát then của người Tày, Nùng, Thái” của Việt Nam được UNESCO ghi danh, ông đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng. “Điều này khiến tôi vô cùng tự hào vì “báu vật” của cha ông được trân trọng, tôn vinh. Là nghệ sĩ trưởng thành từ hát then, đang trực tiếp hướng dẫn học trò nối tiếp mạch nguồn câu then, tôi càng cảm thấy công việc của mình ý nghĩa và tự hào”, nghệ sĩ Xuân Bách bày tỏ.
TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng chia sẻ, là loại hình di sản gắn với cộng đồng, đây thực sự là một tín hiệu đáng vui mừng cho con đường bảo tồn, phát huy những giá trị tinh hoa, đặc sắc của thực hành di sản Then trong thời gian tới. NSND Triệu Thủy Tiên, dân tộc Nùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn cũng không giấu cảm xúc khi nghe tin Then được tôn vinh. Với bà, danh hiệu của Then đã mang đến sự xúc động và phấn khởi, hân hoan. Đó có lẽ cũng là cảm xúc chung của cộng đồng các dân tộc Thái, Tày, Nùng, chủ thể của di sản Then. Bởi Thực hành Then ở Việt Nam vốn đã trở thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của họ, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Nghi lễ Then thể hiện những giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, bao gồm phong tục, nhạc cụ, múa và âm nhạc. Nghi lễ Then là cuộc sống tâm linh, tình cảm không thể thiếu trong những sự kiện trọng đại như: Lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn; thể hiện khát vọng về cuộc sống an vui, no đủ, đoàn kết của người dân.
Tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, Thủ đô nước Cộng hòa Colombia, thay mặt Bộ VHTTDL và cộng đồng thực hành nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, TS Lê Thị Thu Hiền đã đọc bản cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của thực hành Then. Bà Hiền khẳng định:“Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái. Thực hành nghi lễ Then thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới”.
Thấp thoáng nỗi lo
Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam, Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, miêu tả, vừa gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống ông cha. Có thể tìm thấy trong Then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp tu từ, ẩn dụ của nghệ thuật ngôn từ; những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then qua năm tháng.
Chủ nhân của Then, đồng bào Tày, Nùng, Thái đã sáng tạo ra Then để được sống trọn cả vòng đời trong không gian Then. Then, một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: Cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới... Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình.
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đáp ứng những tiêu chí, trong đó có tiêu chí việc ghi danh Nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau.
Sau vinh danh vẫn thấp thoáng có những nỗi lo. Phải làm gì để di sản Thực hành Then thực sự được bảo tồn và phát huy giá trị, đúng với tầm vóc di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại? Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thực hành Then ở một số địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì, phát triển. Nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc; việc tuyên truyền, vận động cộng đồng giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên…
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ, dân tộc Tày (Lạng Sơn), cần kịp thời có chính sách cụ thể cho các nghệ nhân. Là một nghệ nhân hát then đàn tính, vấn đề nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ nhìn thấy là một số nghệ nhân cao tuổi chưa thực sự cởi mở, ít giao lưu, không muốn đưa lên sân khấu những bản sắc văn hóa của dân tộc. Do đó, để các nghệ nhân cao tuổi cởi mở hơn trong việc truyền dạy cho con cháu thì cần phải quan tâm đến họ nhiều hơn. Đây là những nghệ nhân luôn âm thầm cống hiến, bản thân họ là nguồn lưu trữ nguồn văn hóa dân tộc rất lớn. Những nghệ nhân cao tuổi này vẫn lặng lẽ sử dụng vốn văn hóa của mình đi tuyên truyền ở các bản làng, nhưng hầu như không được quan tâm hay phong tặng danh hiệu gì. Việc được quan tâm tích cực sẽ khiến cho những nghệ nhân này cởi mở hơn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ý kiến khác cho rằng, cần chú trọng “bảo tồn sống”, tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Đồng thời, phải có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc. Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm hướng tới trao truyền những giá trị của di sản cho lớp trẻ… cũng là những giải pháp quan trọng.
Trong niềm vui vinh danh, nghệ nhân Xuân Bách cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tất cả đều cần phải chung tay, chung sức trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản Thực hành Then sao cho xứng với danh hiệu mà UNESCO vừa công nhận.
Theo Báo Văn hóa