Sao tượng... mặc quần, che lá?
(Thethaovanhoa.vn) - Loạt tượng "12 con giáp" tại khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng) đã tạm thời được xử lý. Thế nhưng, mọi việc chưa dừng ở đó.
Nhìn vào cách mà độc giả và dư luận đang bàn luận về những gì đang diễn ra ở loạt tượng này, có thể khái quát rằng: "hiệp 2" của câu chuyện lại trở nên thời sự và được quan tâm hơn rất nhiều – so với chính nó trong vài ngày trước đây.
Cụ thể, từ ngày 27/3, lần lượt, những bức tượng khỏa thân "mình người, đầu thú" ấy – vốn đang bị dư luận ném đá tơi tả - đã được phía Hòn Dấu mặc thêm lên 12 chiếc quần bơi sặc sỡ. Tất nhiên, công dụng của những chiếc quần bơi ấy chủ yếu là để... che đi vòng 3 của tượng.
Cách xử lý ấy, như được đưa tin, đến từ các phương án giải quyết mà Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đề nghị áp dụng với loạt tượng bị cho là nhạy cảm này. Một, chuyển toàn bộ 12 pho tượng trên ra khỏi khu vực tham quan. Hai, chỉnh tác lại phần nhạy cảm sao cho phù hợp. Ba, mặc quần áo nghiêm chỉnh cho tượng.
Để rồi, từ những lời chỉ trích về sự mất thẩm mỹ, người ta đang chuyển hướng sang bàn luận về sự lố bịch của 12 pho tượng... mặc quần này. Đơn giản, đó là một kiểu chắp vá tùy tiện, khi trong thiết kế hoàn chỉnh từng có, 12 con giáp khỏa thân ấy không hề được khoác lên những mảnh vải này.
Và theo những diễn biến mới nhất trong ngày hôm qua 28/3, những chiếc quần bơi ấy lại được bỏ ra, để thay bằng những chùm nho xanh đỏ nhằm che đi phần nhạy cảm. Nhưng rõ ràng, kết quả cũng chẳng hơn gì.
Bởi, giống như cách mà nhiều độc giả bình luận, đó là chuyện cái áo vá không thể thay thế một bộ trang phục nguyên lành.
Nói rộng hơn, thử so sánh, trong cả 3 phương án mà ngành văn hóa Hải Phòng gợi ý, 2 phương án là... mặc quần hay che lá và sửa lại tượng đều dở như nhau. Bởi, đó là những sự can thiệp chữa cháy vào ý tưởng ban đầu của một tác phẩm, dù hay dở thế nào thì tác phẩm luôn là một chỉnh thể.
Vậy, phương án còn lại (dời tượng đi chỗ khác) có đúng hay không?
***
Người viết không tán thành những nhận xét, đánh giá mang tính quy chụp về đạo đức, hay thuần phong mỹ tục trong trường hợp này.
Cái dở của loạt tượng nằm ở những vấn đề khác: chất lượng nghệ thuật được đánh giá là xấu, thô kệch. Và đặc biệt, tính chất phồn thực của loạt tượng không ăn nhập hoặc gợi nên một thông điệp gì với bối cảnh của khu du lịch.
Sự thiếu ăn nhập ấy, ít nhiều, có thể gây ra những suy diễn hoặc thắc mắc thiếu tích cực, khi tượng được bày ở một không gian cho phép mọi du khách có thể tiếp cận, trong đó có cả trẻ em.
Nhiều người đã so sánh trường hợp của loạt tượng này với những bức tượng "nóng bỏng" hơn nhiều lần tại Bảo tàng tình yêu (Hàn Quốc) hoặc ngay cả những bức tượng phồn thực của đồng bào Tây Nguyên từng được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội.
Tuy nhiên, cách so sánh ấy đã bỏ qua một điểm quan trọng: những trường hợp được nhắc tới đều gắn với các không gian đặc thù (mà du khách đã được chuẩn bị tâm lý), hoặc những chú giải khoa học về chiều sâu văn hóa, tín ngưỡng đi kèm (như trong bảo tàng).
Mọi chuyện sẽ dễ chấp thuận hơn, nếu những bức tượng này được bày trong một không gian hạn chế, mang tính chất cá nhân trong khu du lịch. Không gian ấy sẽ trở thành một không gian được quy ước riêng cho nghệ thuật – mà người ta sẽ chỉ còn những đánh giá về sự hay/dở - xấu đẹp, thay vì đưa ra những quy chụp về đạo đức.
Làm vậy, chúng ta sẽ không còn phải tranh cãi quanh những vấn đề từ "khoả thân" tới "mặc quần".
Anh Bảo