Sang Myanmar xem bóng đá
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2013, khi sang Yangon công tác, đấy là thời điểm đất nước này đang giai đoạn mở cửa rầm rộ. Nhiều cao ốc mọc lên. Một số thương hiệu lớn của nước ngoài đã mạnh dạn đầu tư, trong đó có Việt Nam.
- Nghiệt ngã cho U18 Việt Nam
- HLV Hoàng Anh Tuấn chết lặng, cầu thủ U18 Việt Nam không tin mình bị loại
- Vào bán kết, U18 Myanmar ăn mừng như vô địch
Sau 4 năm, mang tâm trạng háo hức trở lại với kỳ vọng về sự lột xác của Yangon, nhưng vẫn thấy rõ không khí và sắc thái Yangon như 4 năm trước. Nhịp điệu cố đô chầm chậm, như chính tiếng gõ lách cách của cô gái Myanmar bên cái máy chữ mà bên Việt Nam đã bỏ từ vài chục năm trước.
Những chiếc tàu chợ đếm ngoài 1 đầu kéo, chỉ có dăm toa, không thể cũ hơn, chất đầy người. Bao giờ những con tàu chợ này đi vào dĩ vãng?
Tôi đã chủ quan khi nghĩ chị Tín, một trong những cô dâu Việt Nam đầu tiên mà mình từng viết bài, vẫn còn buôn bán ở con phố sầm uất Merchant. Nhưng, tiệm của chị đã cho một ngân hàng thuê làm trụ sở. Hỏi mấy người dân buôn bán cạnh đó, họ chỉ đến đường 37, cách đó gần 3km. Đến con phố nhỏ xíu đó, hỏi hoài thì một chủ quán bán tơ lụa bảo cô Tín người Việt đã chuyển đi đến đường 16. Anh tài xế taxi lại vật vã chiều chúng tôi, để rồi lại “bóng chim tăm cá”.
Năm 2013, nghĩa là đã làm dâu 11 năm, chị Tín vẫn chưa được nhập quốc tịch. Giờ này chị ở đâu, đã nhập tịch chưa, có khá giả như trước không, tôi vẫn muốn gặp lại cô gái Bình Định đã bất chấp sóng gió để yêu chàng thủy thủ người Myanmar, Min Soe, để xem tình hình thế nào.
“Má ơi, con vẫn khỏe”, đấy là câu nói chị gửi về quê hương trong phóng sự phát trên Truyền hình Thông tấn, hôm đó má và cả nhà chị ở Quy Nhơn đã xem.
Tình hình an ninh, chính trị Myanmar giờ khá phức tạp, khiến cho nỗ lực mở cửa và tăng trưởng các chỉ số kinh tế của Chính phủ nước này đang gặp nhiều thách thức, dù họ vẫn tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài.
Hy vọng, chị Tín cùng cộng đồng người Việt ít ỏi ở Myanmar, lẫn các doanh nghiệp chúng ta, không bị ảnh hưởng.
Vậy, bóng đá Myanmar phát triển ở mức độ nào? Có liên tưởng gì đến hình ảnh những em bé đuổi nhau cùng quả bóng nhựa mà du khách có thể thấy bất cứ nơi đầu trên đường phố Yangon?
Không hẳn. Trước hết, nó bắt nguồn từ truyền thống và những tố chất chơi bóng của người Myanmar. Cách đây 5 thập kỷ, bóng đá Myanmar đã vươn tầm châu lục.
Tình hình chính trị bất ổn của thời "ngăn sông cấm chợ" của đất nước này đã tác động lớn đến sự phát triển của nền bóng đá.
Cho đến năm 2005, có một doanh nhân thuộc dạng lớn nhất nước được bầu làm Chủ tịch LĐBĐ Myanmar, ông U Zaw Zaw. Ông này sau khi tốt nghiệp Đại học trong nước đã sang sống lâu năm ở Nhật Bản, nên sau khi nhậm chức đã hợp tác với bóng đá Nhật.
Từ đó đến nay, 12 năm ngồi ghế Chủ tịch, ông đã miệt mài tài trợ hàng trăm tỷ kyat cho bóng đá Myanmar, tái cấu trúc những giá trị cốt lõi như: Nâng tầm giải VĐQG, cách mạng công tác đào tạo trẻ, tăng cường tập huấn và đào tạo cầu thủ ở nước ngoài, đầu tư kinh phí mạnh mẽ thuê chuyên gia giỏi.
Dù tốc độ phát triển chưa đột biến, nhưng rõ ràng bóng đá Myanmar đang phát triển tương đối tốt, nhất là mảng đào tạo trẻ, phần nào đánh động được những phẩm chất của “kẻ thống trị” bóng đá Đông Nam Á một thời.
Bằng chứng, lứa U19 của họ giành vé dự U20 World Cup 20 năm 2015. Còn tại SEA Games 29 vừa qua, U22 Myanmar vào bán kết, đứng thứ 4 chung cuộc, còn chúng ta bị loại ở vòng bảng, và không chừng nền bóng đá sẽ còn thua họ, chứ riêng gì U18 tối qua.
Tóm lại, nhìn ông Chủ tịch LĐBĐ Myanmar bền bỉ chi tiền, 12 năm ngồi ghế nóng vẫn được việc, đã thấy hơn Chủ tịch VFF chúng ta.
Hữu Quý (Từ Yangon)