Sai nhạc Quốc ca Việt Nam khi làm Lễ thượng cờ, khi Ánh Viên nhận HCV... ở SEA Games 28
1. Quốc ca được xem là bản nhạc thiêng liêng, là bài ca tiêu biểu cho khí phách, tâm hồn dân tộc. Khi cất tiếng ngân nga giai điệu Quốc ca Việt Nam, là công dân Việt, ai ai cũng bồi hồi xúc động, nhất là khi quốc ca vang lên ở những nơi xa tổ quốc.
SEA Games 28 đang diễn ra tại Singapore, một bài viết trên báo Thanh niên về cảm xúc khi nghe quốc ca vang lên trước một trận đấu của đội U23 Việt Nam đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM trích dẫn đưa vào đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2015 - 2016 làm dấy lên cuộc bàn luận sôi nổi về việc hát Quốc ca.
Khi các tuyển thủ U23 hát Quốc ca trước lúc xuất trận, có lẽ Quốc ca đã giúp không ít người ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình đối với đất nước, đồng thời nó tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần cho họ. Hoặc khi các vận động viên Việt Nam nhận huy chương vàng các môn như bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ… quốc ca hùng tráng vang lên trên đất bạn, ai ai cũng dấy lên niềm tự hào dân tộc…
Nếu không tính lễ thượng cờ và các trận bóng đá của đội U23 Việt Nam, tính đến hết ngày 14/6, đoàn thể thao Việt Nam đoạt 72 huy chương vàng, điều đó cũng đồng nghĩa là 72 lần bản nhạc Quốc ca của Việt Nam được vang lên trên đất nước bạn trước sự chứng kiến và ngưỡng mộ của hàng chục ngàn người. Còn trận bán kết giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar, Quốc ca Việt Nam được hàng triệu người ở quê nhà theo dõi. Có thể nói, những dịp như SEA Games 28 là dịp mà Quốc ca Việt Nam được quảng bá nhiều nhất.
Thế nhưng, rất tiếc đó là bản thu âm quốc ca còn bị khiếm khuyết về mặt âm nhạc - có một nốt nhạc bị sai cao độ so với bản nhạc Quốc ca (ghi bằng nốt và lời) được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội); hoặc bản nhạc Quốc ca được đăng tải trên trang web của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; hoặc bản nhạc Quốc ca in trong sách giáo khoa được hàng triệu học sinh hát mỗi dịp chào cờ ở các trường học.
Bản thu âm Quốc ca Việt Nam đúng nhạc:
2. Người viết bài này không có điều kiện theo dõi hết tất cả những trường hợp nhạc Quốc ca được vang lên tại Singapore trong SEA Games 28 lần này. Nhưng qua một số trường hợp như: Lễ thượng cờ của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 (chiều 2/6); Lễ chào cờ trao huy chương vàng cho nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên nội dung 200m tự do nữ (ngày 9/6); Lễ chào cờ trao huy chương vàng cho Đỗ Thị Thảo ở nội dung chạy 1.500m nữ (ngày 11/6); Lễ chào cờ của đội U23 Việt Nam trước các trận đấu vòng bảng v.v… Tất cả các trường hợp nêu trên đều sử dụng một bản thu âm Quốc ca có sai cao độ một nốt nhạc.
Trong âm nhạc, nếu đối với nhạc kinh viện (mà chúng ta thường gọi nôm na là nhạc “cổ điển”), các nghệ sĩ trình tấu phải diễn tấu đúng 100% cao độ tất cả các nốt nhạc, dù bản nhạc đó có hàng ngàn nốt. Tuy nhiên, đối với ca khúc đại chúng, việc ca sĩ thay đổi một vài nốt nhạc (thường là để cho thuận lời hát) là chuyện bình thường. Quốc ca đối với các nước trên thế giới, nó được xử lý như nhạc “cổ điển”, nghĩa là văn bản được ban hành thì tất cả mọi người đều hát, trình tấu nhạc cụ đúng với những cao độ đã ghi trên văn bản bài nhạc. Không ai được phép thay đổi cao độ, dù chỉ là một nốt.
Một số trường hợp ở Việt Nam và trên thế giới, có ca sĩ hát Quốc ca theo kiểu “cover”, thay đổi tiết tấu và có khi cả cao độ, nhưng đó cũng là việc hát để mà… chơi. Còn trong các buổi chào cờ mang tính nghi thức thì không ai hát như vậy cả.
Clip Ánh Viên nhận huy chương vàng nội dung 200m tự do nữ (Quốc ca sai nhạc):
Trường hợp sai cao độ một nốt nhạc trong bản thu âm Quốc ca đang dùng tại SEA Games 28 có thể kết luận đó là sai “vô ý thức” bởi vì với cao độ đó thì nó không thuận với lời hát.
Bản thu âm Quốc ca với mục đích dùng trong các buổi lễ có chào cờ và hát quốc ca phải là một bản quốc ca mẫu mực về cả cao độ, trường độ và tốc độ. Sai cao độ của một nốt nhạc, có thể giới âm nhạc hoặc những người có tai nghe thính nhạy mới phát hiện ra. Nhưng khi một bản Quốc ca sai cao độ (dù chỉ là một nốt) được tấu lên trước sự có mặt của đại diện thể thao 10 quốc gia bạn như ở SEA Games 28, đó cũng là điều đáng buồn cho chúng ta.
Hữu Trịnh - Phú Hòa
Thể thao & Văn hóa