Sài Gòn Covid-19 và nhiếp ảnh ý niệm của Trần Thế Phong
Triển lãm nhiếp ảnh và ra mắt sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021) của Trần Thế Phong vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, quận 1).
Cuốn sách chọn lọc 155 bức ảnh từ hơn 6.000 bức đã chụp từ tháng 6 đến tháng 11/2021. Vượt qua tính thời sự, nhiều bức ảnh đã đạt đến nghệ thuật ý niệm (conceptual photography) trong cách nắm bắt tình huống, cách kể chuyện.
Đây là cuốn sách ảnh thứ 11 và là triển lãm cá nhân lần thứ 17 của Trần Thế Phong. Anh sinh năm 1969 tại Sài Gòn, lớn lên như một đứa trẻ bụi đời, rồi được học nhiếp ảnh, chụp ảnh tự do, với hơn 30 năm cầm máy.
Xem để ngẫm nghĩ
Trong sách Sài Gòn Covid-19 (2021), có rất nhiều bức ảnh phải thật sự ngẫm nghĩ thì mới thấy được sự ý vị và vẻ đẹp của nó. Nếu chỉ xem thoáng qua, dùng cách cảm nhiếp ảnh bình thường, thì sẽ thấy chúng khá bình thường. Dưới đây là một vài ví dụ, chứ không phải là tất cả các bức ảnh ý niệm trong sách này.
Về sinh hoạt, Trần Thế Phong có nhiều bức ảnh khá hay. Bức Về quê (trang 67) là cảnh một người mẹ mặc đồ bảo hộ, một tay kéo vali, một tay bồng đứa con mới sinh như tháo chạy về quê. Đây là cảnh rất hiếm gặp vào dịp bình thường của thành phố đông dân nhất nước, nên nó diễn tả được sự lo lắng và tang thương ở phía sau.
Bức Vận chuyển lương thực thực phẩm (trang 102) là việc hai quân nhân dùng xe đẩy - thường được người dân dùng trong mua bán chai bao nhôm nhựa - để đi giao nhu yếu phẩm, phần nào cho thấy sự khó khăn, thiếu thốn trong lúc giãn cách.
Bức Tiếp tế (trang 128) chụp hàng chục hộp cơm để trên vỉa hè trong đêm vắng vẻ và chưa có ai đến nhận. Tiếp tế trong mùa dịch rất quan trọng, nhưng vì giãn cách và 5K, nhiều trường hợp người cho và nhận không thể gặp được nhau.
Bức Ba, mẹ (trang 110) là một tang lễ khác hẳn bình thường, cảnh một cuộc đưa tiễn tập thể, trang nghiêm nhưng rất lặng lẽ.
Về cảnh quang đô thị, ví dụ như bức Độc hành (trang 20) là cảnh mấy chục người mannequin (ma-nơ-canh) bị “nhốt/ phong tỏa” trong một cửa hàng thời trang rất lớn, thường rất nhộn nhịp, nay chỉ còn một người đi vội trên vỉa hè.
Bức Tắm nắng (trang 24) là cảnh bà bồng cháu sơ sinh ra phơi nắng sớm, trước một khu chợ và đại lộ vắng lặng. Họ như biểu tượng của hồi sinh và duy trì sự giống.
Bức Ngày đóng cửa (trang 60) chụp chợ Bến Thành không một bóng người. Như một đối nghịch, vì trước Covid-19, trung bình mỗi ngày chợ này đón hơn 15.000 lượt người đến mua bán, tham quan.
Sách còn khá nhiều bức ảnh ý niệm dạng này, cho thấy một bước tiến mới trong nghề nghiệp nhiếp ảnh của Trần Thế Phong. Sở dĩ anh có thể chụp được chúng, là vì sự từng trải và yêu thương, từ nhỏ anh đã lăn lộn trên vỉa hè, sống nhờ sự chia sẻ của nhiều người. Nó cũng nối tiếp tinh thần lăn xả và cái nhìn của một phóng viên ảnh tự do, vốn từng thấy trong các bộ ảnh trước đây, ví dụ Bão Chanchu, Nghệ sĩ đường phố, Gánh, Mưu sinh, Chân dung, Nhịp sống Sài Gòn…
“Tôi đã lặng người, bởi trong đời mình chưa bao giờ thấy và chứng kiến những hình ảnh đau thương, mất mát đến như vậy. Có nhiều người trong giờ phút cuối đời đã ra đi lặng lẽ, không có gia đình, bạn bè, người thân bên cạnh. Hoặc có những em bé mới sinh, không được nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời” - Trần Thế Phong chia sẻ.
Một đóng góp về cách nhìn
Việt Nam vốn còn ít có nhiếp ảnh ý niệm, nên những triển lãm và ra mắt sách như Sài Gòn Covid-19 (2021) là một bổ khuyết cần thiết. Những người theo quan điểm của nhiếp ảnh ý niệm cho rằng ý tưởng và câu chuyện là điều tối quan trọng trong quá trình sáng tạo. Trong khi các quan điểm mang tính truyền thống thì cho rằng ánh sáng, bố cục và khoảnh khắc quan trọng hơn. Không có chuyện đúng sai ở đây, mà chỉ muốn nói rằng nhiếp ảnh - đặc biệt nhiếp ảnh Việt Nam, vốn bị cho là còn hơi lạc hậu - luôn cần thêm những cách nhìn mới, quan niệm mới. Mà nhiếp ảnh ý niệm là một cách nhìn mới.
- Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong: Tri ân người đọc báo
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong: Mang đôi quang gánh đỡ cho trò nghèo
- Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong lại nhận giải báo chí
Ví dụ như bức Bùng binh Phan Đình Phùng (trang 22) đã phản ánh được nhiều khía cạnh hay/dở của một đại đô thị, như sự đua tranh giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa vật thể và phi vật thể, giữa thế tục và tâm linh.
Trước mặt tượng đài một anh hùng dân tộc là bảng quảng cáo về đô thị sinh thái, sau lưng là bảng quảng cáo ế, vì chưa có khách hàng mới. Chiều cao và kích thước to lớn của hai bảng quảng cáo này so với tượng đài Phan Đình Phùng như là một áp đảo, một đối cực để suy ngẫm về thời thế, về quy hoạch và tầm nhìn thành phố. Nó cũng làm cho các tín hiệu, biển hiệu khác trong bức ảnh này biến thành biểu tượng, mang đến những ẩn dụ mới, ngữ nghĩa mới.
Nhiếp ảnh ý niệm thường nặng tính sắp đặt, nhưng các bức ảnh của Trần Thế Phong thì thường là khoảnh khắc. Bằng cách bám sát thực tế câu chuyện trong suốt 5 tháng, chụp hơn 6.000 bức ảnh, chất ý niệm tự nhiên được phác lộ. Với lại, những bức ảnh như Ngày đóng cửa, Về quê, Bùng binh Phan Đình Phùng… thì làm sao mà dàn dựng, sắp đặt cho nổi.
“Lúc ấy, giữa thành phố bị giãn cách, các chiến sĩ quân đội nhân dân đang làm một nhiệm vụ 24/24, mà có lẽ cũng quá bất bình thường trong đời binh nghiệp của họ: Họ tiếp nhận, chuyển giao, hương khói, cúng cơm và cầu nguyện cho những người dân đã mất trong Covid-19. Mọi việc diễn ra thật nhẹ nhàng, dường như ai cũng ý thức về sự yên tĩnh cho các hương linh đồng bào sau biến cố của đời người, đã ra đi đột ngột, không người thân bên cạnh” – tâm sự của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong. |
Văn Bảy