Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong: Tri ân người đọc báo
(TT&VH) - Triển lãm Đọc báo của Trần Thế Phong vừa khai mạc sáng 19/5 tại Nhà triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, TP.HCM) là một lược thuật, một “ký sự” về đam mê đọc báo của người dân từ Nam chí Bắc, từ dưới đất lên trên bầu trời. Tác giả cũng tâm sự rằng anh muốn “nhanh chân hơn” trong việc kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).
Xin nói ngay, đây là chủ đề quen thuộc đến mức đa phần giới nhiếp ảnh Việt Nam không để ý, thế nên 80 tác phẩm của Trần Thế Phong (sinh 1969) trở thành hàng hiếm, trong khi người đọc báo thì vẫn hiện diện quanh ta rất nhiều. Với sức đi, sự nhạy cảm và kinh nghiệm báo chí của bản thân, những khoảnh khắc mà nhiếp ảnh gia này chộp được có thể sẽ trở thành ký ức một thời nếu sau này báo giấy không còn tồn tại nữa.
Chụp tuổi thơ bán báo của mình
Từng sống lang thang vỉa hè và đi bán báo dạo, Trần Thế Phong nói rằng nhiều lúc nhìn vào ông ngắm máy ảnh thấy một bé trai nào đó ôm xấp báo rao bán, anh cứ ngỡ đó là mình. Chính điều này đã làm nên thành công của Trần Thế Phong trong hơn 15 năm qua về chủ đề trẻ em, mà cuốn sách ảnh Những nẻo đường tuổi thơ vừa phát hành là một ví dụ sinh động. Cũng xin nói thêm, tác phẩm Đôi bạn (chụp trẻ bán báo và vé số) từng đoạt Giải thưởng Lớn tại Nhật và nhiều giải thưởng khác, nó mở ra cánh cửa cho việc cầm máy của Trần Thế Phong sau này.
Để có được 80 phẩm trong Đọc báo, Trần Thế Phong kể rằng mình phải tích cóp và chọn lọc từ hàng trăm bức ảnh đã chụp từ năm 2008 đến nay. Anh nói không thể một sớm một chiều là có ngay được, vì khoảng 75 tác phẩm trong này là khoảnh khắc bắt gặp trên đường đi, chẳng có sắp đặt hay dàn dựng gì. “Tôi gom góp được ít tiền là lên đường để ghi dấu ấn trẻ em khắp mọi miền đất nước, trong lúc đó, tôi cũng tranh thủ chụp những chủ đề khác để tiết kiệm thời gian và chi phí. Tôi nghiệm ra một điều rằng, chụp cái gì tạm bợ, cơ cực thì luôn cảm thấy nó gần mình hơn”, Trần Thế Phong nói.
Anh cho biết bản thân rất luyến tiếc vì bị thất lạc 50 phim đã chụp về chủ đề này từ 2005 đến 2008. Để có 50 phim này, anh đã chụp vài chục cuộn phim và đã rửa hàng trăm bức ảnh khổ nhỏ để chọn lọc.
Còn hỏi lý do tại sao anh lại chụp người đọc báo, một chủ đề thường bị xem là ít tính nhiếp ảnh, Trần Thế Phong cho biết: “Khi trưởng thành hơn trong suy nghĩ và nghề nghiệp, tôi chẳng thấy đề tài nào là kém hay nhiều tính nhiếp ảnh, bởi điều này phụ thuộc vào góc nhìn mà thôi. Riêng chủ đề đọc báo, lúc nhỏ đi bán báo dạo, lớn lên thì đi chụp hình cho báo chí… người đọc báo chính là ân nhân nuôi sống tôi, không chụp họ thì thấy có lỗi quá. Ban đầu tôi muốn tri ân họ bằng vài khoảnh khắc đẹp, nhưng càng về sau, khi biết báo giấy đang dần hết thời, để nhường đường cho báo mạng, người đọc báo mỗi sáng cũng ít dần đi, tôi lại muốn lưu giữ ký ức. Tôi muốn chia sẻ với biết bao khổ cực của người làm báo và đời sống của từng tờ báo”.
Khoảnh khắc đọc báo trên tàu Bắc - Nam.
Thay đổi để cận nhân tình hơn
Nếu so với 10 hoặc 15 năm trước, phương cách chụp hình của Trần Thế Phong hiện nay đã nghiêng về hướng báo chí và đậm chất thế sự hơn. Như bộ ảnh Đọc báo chẳng hạn, người xem thấy anh chú trọng nhiều hơn tới ý tưởng về “sự chăm chú của người đọc”, thay vì tìm kiếm bố cục, ánh sáng đặc biệt. “Tôi thích tìm kiếm những khoảnh khắc đáp ứng được ý niệm của mình về từng chủ đề, nên gặp là chụp, nhiều khi chỉ một cái bấm máy là xong, không cầu toàn về nhân vật, ánh sáng, thời khắc... Chụp người đọc cũng vậy, sau cái “tách” đầu tiên, nhiều nhân vật đã nhận ra sự hiện diện của mình nên mất tự nhiên, khó mà nhờ họ chú tâm để chụp bức ảnh khác. Để có được sự lanh lẹ này, tôi biết ơn sự năng động của các trẻ em và sự nhanh nhạy của nghề báo, nơi mà chậm là hết”, Trần Thế Phong bày tỏ.
Một điểm đáng chú ý của bộ ảnh Đọc báo là những khoảnh khắc ý vị lúc buổi sáng, nó chiếm đa số, vì đây cũng là thời điểm đặc thù của phần đông người đọc báo. Trần Thế Phong thì có phát hiện thực tế và thú vị hơn: “Người ta có thể đọc báo mọi lúc mọi nơi, nhưng buổi sáng thì dễ gặp họ ở vỉa hè hơn, nên mình cũng dễ chụp hơn”.
Gần đây, dù thỉnh thoảng vẫn đoạt các giải nhiếp ảnh nhưng Trần Thế Phong nói rằng đó không là mục đích của việc cầm máy. “Bây giờ tôi thích chụp cho mình, không còn muốn sa đà vào những cuộc săn hình tốn kém và cũng không muốn “đón gió” xu hướng chấm giải. Khi chụp xong, thấy tấm nào phù hợp thì gởi dự thi để kiếm kinh phí chụp tiếp, không có và không đoạt giải cũng chẳng sao. Suy nghĩ của tôi hiện nay là làm sao chụp được một bức hình ưng ý trong điều kiện bình thường và gần gũi nhất, bởi xung quanh mình có biết bao đề tài còn bỏ ngỏ”.