Sách lậu và những kỷ lục... bất đắc dĩ
(Thethaovanhoa.vn) - Cùng một thời điểm, trong ngày 21/9 hôm qua, Công ty First News - Trí Việt công bố liền 3 kỷ lục liên quan tới sách lậu.
Và kỷ lục cuối cùng: phía công ty mạnh dạn hứa trao thưởng cho những người phát hiện ra các ổ in sách lậu liên quan tới ấn phẩm của họ trong thời gian tới. Tùy vụ việc, mức thưởng có thể từ 10 triệu đồng tới... 100 triệu đồng.
Kỷ lục thứ nhất và thứ hai được... xác lập, bởi đơn giản, cho tới thời điểm này, chưa một đơn vị xuất bản nào công bố những con số tương tự cao hơn so với trường hợp của First News. Và từ 2 kỷ lục ấy, cũng rất dễ hiểu về kỷ lục thứ 3 - khi nhẩm tính về thiệt hại mà nạn sách lậu đã mang lại cho công ty này.
Những cuốn "Đắc Nhân Tâm" in lậu bị tịch thu tại hiện trường
Và, cũng phải nói thêm, First News là đơn vị xuất bản từng có trải nghiệm cay đắng nhất trong cuộc chiến với sách lậu. Đó là vụ việc từng tốn rất nhiều giấy mực của ngành xuất bản, khi họ đứng ra kiện một công ty in về việc tổ chức in lậu gần 10.000 cuốn Đắc Nhân Tâm.
Tuy nhiên, qua 2 lần xét xử (phúc thẩm và sơ thẩm), công ty này lại được xử trắng án với lý do số sách lậu chưa được đưa ra thị trường, nên không xác định được thiệt hại của bên khởi kiện.
Hơn một năm trước, người viết cũng đã có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc First News, nhân dịp Đắc Nhân Tâm lập kỷ lục bị in lậu tới lần... thứ 10. Ở thời điểm ấy, 7.000 cuốn Đắc Nhân Tâm bị phát hiện in lậu với chất lượng... khá cao, tại một cơ sở in hoạt động ngay trong giờ hành chính, vớicác khâu đóng gói, vận chuyển, phát hành... đều được tổ chức rất chuyên nghiệp.
Bức xúc với sự ngang nhiên ấy, ông Phước có nói tới việc nếu pháp luật không mạnh tay, kỷ lục buồn của Đắc Nhân Tâm rất có thể bị "phá" trong thời gian gần. Để rồi bây giờ, từ 10 lần in lậu (bởi 10 đầu nậu khác nhau), con số ấy đã kịp lên tới... 13.
***
Người viết cũng không muốn nói thêm về tác hại của nạn sách lậu. Đơn giản, từ chục năm nay, lời "tố khổ" của các đơn vị xuất bản, cũng như những cuộc tọa đàm, hội thảo về câu chuyện này vẫn diễn ra liên tục theo từng tháng, từng ngày.
Chỉ có thêm một chia sẻ: như đề nghị của những người trong cuộc, khái niệm "sách lậu" (mà dư luận thường sử dụng) nên được gọi đúng là "sách giả". Bởi, những cuốn sách trái phép ấy chỉ đơn giản được gia công bằng việc scan và in lại từ sách thật, để rồi được những đầu nậu tung vào thị trường với chất lượng kém hơn hẳn.
Như một làn sóng ngầm, vấn nạn này vẫn len lỏi tồn tại cùng với hoạt động của ngành xuất bản, và thậm chí ngày càng nở rộ hơn bao giờ hết.Để rồi, không chỉ với First News, giới xuất bản cũng đã từng có những kỷ lục buồn cho các cuốn sách của mình.
Chẳng hạn, nhiều năm trước, Lê Vân yêu và sống của NXB Hội nhà văn là trường hợp bị in lậu với tốc độ... siêu nhanh, khi sách giả xuất hiện chỉ 2 ngày sau khi sách thật được bày bán.
Hoặc, với Công ty Nhã Nam, cùng trong hơn một tuần lễ, đơn vị xuất bản này phát hiện liên tiếp 5 bản sách giả Nhật ký Đặng Thùy Trầm khác nhau được đưa ra thị trường. Trong đó, có cả một trường hợp hi hữu, được làm theo kiểu "giả" của "giả". Nghĩa là, do hấp tấp, một đầu nậu đã scan lại một.... cuốn sách giả của đầu nậu khác,và tất nhiên, có sản phẩm còn tệ hơn "tiền nhiệm" rất nhiều.
Những kỷ lục ấy có thể chưa được phá, hoặc đã bị phá nhưng chưa được "khổ chủ" công bố. Nhưng chắc chắn, nếu vẫn thiếu đi những bổ sung cần thiết về hành lang pháp lý dành cho tội in sách lậu, cũng như những bảo hộ đặc biệt cho việc giữ bản quyền của các đơn vị xuất bản "nghiêm túc", thì câu chuyện "phá kỷ lục" này sẽ lại được nhắc tới ở tương lai, như những gì chúng ta vừa chứng kiến.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa