'Rủa' người đẹp Tuyết Trang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 'lên bàn thờ': Cư dân mạng thể hiện điều gì?
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây trên trang fanpage của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, một số bình luận về phần Phỏng vấn mà các thí sinh thực hiện khá tiêu cực thậm chí bộc lộ văn hóa kém.
- Người đẹp Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017: Hết nóng bỏng bikini, lại khoe dáng trong áo dài
- 'Bỏng mắt' trước loạt ảnh bikini của dàn thí sinh 'có hình thể đẹp nhất' Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017
- Hé lộ những hình ảnh đầu tiên về chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017
Trong phần Phỏng vấn Top 45 mà BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 đăng tải mới đây, các thí sinh qua đó đã thể hiện được phần nào cá tính riêng cũng như khả năng ứng biến, nhanh nhạy, tạo sự gần gũi đối với khán giả.
Với các câu hỏi: "Người ta không thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng có thể chọn cách mà mình sống, bạn đã lưa chọn cho mình cuộc sống như thế nào?"; "Nếu bạn nắm trong tay một đặc quyền có thể thay đổi thế giới, bạn sẽ làm điều gì?" và "Nếu được ví như một loài hoa, bạn sẽ là hoa gì?", phần lớn các thí sinh đều cho thấy những ước mơ, suy nghĩ của họ hướng đến một đời sống tích cực và tốt đẹp.
Nhiều khán giả thể hiện sự đồng tình, đồng quan điểm và dành cho Top 45 nhiều thiện cảm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người mang suy nghĩ có phần tiêu cực khi để lại những bình luận được xem là yếu kém về văn hóa đặc biệt ý kiến về câu trả lời của thí sinh Tuyết Trang khiến người đọc khá bức xúc.
Cụ thể, ở câu hỏi thứ 3, thí sinh Tuyết Trang trả lời mình muốn trở thành hoa đào "vì vừa có thể sống ở nơi rừng núi hiểm trở, vừa tỏa sáng nơi thành thị phồn hoa và mang niềm vui khi Tết đến xuân về".
Với ý nghĩa của sự sum vầy, đoàn viên và trong gia đình mỗi người dân miền Bắc, loài hoa này dường như không thể thiếu mỗi dịp Tết truyền thống. Thế nhưng, không biết khán giả T.L.P có hiểu sai ý nghĩa câu trả lời của Tuyết Trang hay không khi cho rằng: "Thích làm hoa đào chưng tết là thích lên bàn thờ nhà người ta ngồi đây mà" mang rõ hàm ý tiêu cực. Hiện tại, bình luận này đã được xóa bỏ.
Văn hóa bình luận và chỉ trích trên mạng xã hội thời gian qua trở thành đề tài được công chúng quan tâm. Bên cạnh những đóng góp tích cực mà cộng đồng mang lại cũng không ít cư dân mạng thể hiện lối sống tiêu cực, phông văn hóa kém. Dù rằng, đối với mỗi vấn đề, việc đưa ra các ý kiến xây dựng kể cả có trái chiều cũng là điều rất đáng ủng hộ nhưng mỗi quan điểm cần phải dựa trên nền tảng văn hóa, kiến thức thì mới thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.
M.T (tổng hợp)