Rock Việt: Hòn đá không lăn
(Thethaovanhoa.vn) - Người nghe (và chơi) rock được tiếng là những con người ưu tú nhưng lập dị, nổi loạn nhưng tỉnh táo, nhạy cảm và có cả phần yếu đuối, nhưng trong một buổi diễn, họ văn minh, bùng nổ và cháy bừng với đam mê như vùi kín tự lúc nào… Những mỹ từ tưởng như rất thực ấy được giới truyền thông và fan hâm mộ nhạc rock trao tặng rồi lặp lại của nhau, tô hồng cho một mặt bằng thưởng thức và tiêu thụ âm nhạc kỳ dị và tồn tại có lẽ quá nhiều vấn đề.
Bộ “romance” về rock Việt cứ thế lại bắt đầu róc rách.
Rock nằm “túi” ai?
Thoạt nhìn mà nói, hiện nay rock đang có những ngày tháng hoàng kim, đáng ao ước, khi có trên dưới 10.000 đến 15.000 khán giả cho mỗi buổi diễn ngoài trời của concert tour RockStorm xuyên Việt trong thời buổi kinh tế khốn đốn, cắt giảm chi tiêu. Trang Facebook RockStorm với 185.000 fan thừa sức gieo “bão” (đúng theo cái tên RockStorm) cho mọi ngả, ngách liên quan đến nhạc rock, được hậu thuẫn nhiệt tình bởi truyền thông chính thống. Điệp khúc rock Việt với những tên tuổi nhẵn mặt nhẵn tên xuất hiện xoay vòng và chinh phục biển người trước mặt, trên sân khấu quy mô và chuyên nghiệp nhất họ có thể vươn tới được tính đến nay.
Không chỉ MobiFone (với RockStorm) mà nhiều thương hiệu đại gia khác cũng duy trì sức sống cho rock như Tiger Translate, Tâng bóng và rock của Clear, H-Artistry của Hennessy… Và thế là, rock và rock Việt chễm chệ một chỗ đứng vững chắc giữa những dòng nhạc đại chúng khác như một phương tiện hữu ích để họ, các thương hiệu, vươn xa và rộng đến đám đông.
Thế nhưng nếu không có diễm phúc mang tên tài trợ, các sự kiện bán vé đích thực luôn bị hút đi hẳn hoặc giữ một chỗ đứng vô cùng khiêm tốn trong lòng khán giả. Qua đợt vung tiền của các thương hiệu và những sự kiện quảng bá không ngừng nghỉ trên các kênh phương tiện, các ban nhạc rock và người nghe cun cút về với những toan lo đời sống hàng ngày, với những sở thích, đam mê và niềm vui khác, và với những thần tượng xa vời theo cả thời gian lẫn không gian.
Mọi so sánh nếu có giữa bất kỳ ban nhạc rock Việt nào với một nghệ sĩ quốc tế trong danh sách “từ thời hoàng kim” đều khập khiễng như chính mơ ước không ngớt của một đại bộ phận người nghe. Trong khi đó, những người gác cổng thị hiếu công chúng nếu không phải các thương hiệu dày túi tiền đều xem ra bất lực và ngao ngán. Bởi lẽ, cuộc giao du văn hóa với xung quanh, dù ở ngay cái rốn giao thương trong khu vực, vẫn giậm chân tại chỗ, nhường chỗ cho sự thờ ơ, lãnh đạm và mòn theo thói quen.
Một sản phẩm văn hóa một khi không thể xuất khẩu sẽ nằm tại chỗ, như một “hòn đá” không lăn, không thể và có cả… không biết.
Rock là âm nhạc đại chúng
Khi các băng đĩa pop/rock đặt chân đến Việt Nam sau 1975, dòng chảy văn hóa đại chúng ấy vẫn khá đồng nhất tại hầu hết châu Á (trừ thị trường lâu đời Nhật Bản) bởi chính sự đồng nhất của cỗ máy truyền thông phục vụ và làm giàu bởi nền công nghiệp giải trí.
Người trẻ thời bấy giờ và những ai có quan tâm, tìm kiếm một điều mới mẻ không có được ở văn hóa bản địa đương nhiên sẽ nâng niu, nghiến ngấu dòng chảy này. Định nghĩa bất hủ đứng lập lờ và đánh đồng những tác phẩm đương thời và kinh điển thời gian kiểm chứng của thập niên 60 và 70 thế kỷ trước, miễn sao đáp ứng được tiêu chí đầu bảng xếp hạng, ảnh hưởng, và văn hóa “Greatest Hits” ra đời.
Đã có lúc, sân khấu RockFanClub tổ chức tràn màu áo đen, bất kể họa tiết là gì; cũng đã có lúc, chỉ cần chát, “rock” là đủ, khi những con người trẻ đang lớn tìm thấy một ngôn ngữ, một tiếng nói và những thần tượng chung mới. Người hưởng thụ các tác phẩm này thực tế không có một sản phẩm chuẩn để so sánh, cũng không có điều kiện để thưởng thức phần còn lại, thường luôn thú vị và tinh chất hơn của những gì hãy còn đang bắt đầu hình thành, sôi sục tại nguồn, trong những cộng đồng mới, trẻ, đương thời.
Suy cho cùng, thị hiếu hình thành từ mọi thứ ta được dịp tiếp xúc, bất kể thời gian và thời điểm, và bản thân mỗi thị hiếu cá nhân là một kinh nghiệm riêng có và phụ thuộc rất nhiều vào sự cởi mở, sự tìm tòi của người thụ hưởng.
Khi sự đa dạng xuất hiện, phân hóa xảy ra cùng với phát triển. Màu áo đen nay đã khác theo các nhóm nhạc, phong cách nhạc khác nhau, nhất là những nghệ sĩ mà người nghe có thể tìm thấy sản phẩm âm nhạc tại các cửa hàng băng đĩa (dù lậu) dành riêng hoặc dùng chung, trong đó có họ. Sự thống trị và xuất hiện của MTV tại Việt Nam cũng như sự xuất hiện của các nghệ sĩ quốc tế, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ và thịnh hành lúc bấy giờ tại Việt Nam như The Moffats (1999), là một tiền đề và giai đoạn mọi quốc gia trong khu vực khi đó đều trải qua. Dọn đường cho một cuộc xâm lăng công bằng, các nhà tổ chức kiêm vai trò nhập khẩu văn hóa và thực hiện kinh doanh, tự làm quen với các rủi ro mà chính các nhà tổ chức tại Âu - Mỹ cũng trải qua bằng xương bằng máu.
Mọi người nghe nhạc đích thực thuộc mọi lứa tuổi trong lịch sử 60 năm nhạc đại chúng đều muốn một ngày nào đó được gặp gỡ thần tượng của họ bằng xương bằng thịt, và để được như vậy, họ phải dốc hầu bao sòng phẳng. Nhưng ở Việt Nam, nhập khẩu văn hóa ngoại lai là một câu chuyện quá dài, và lê thê hơn nữa khi đó là rock, thể loại được ưu ái gắn với sự nổi loạn, phản kháng của tuổi trẻ.
Du Lê
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần