'Rien Qu’une Larme' - Giọt lệ từ hai mảnh ghép đặc biệt
(Thethaovanhoa.vn) - Rien Qu’une Larme không phải ca khúc nổi tiếng nhất của Mike Brant nhưng lại là nhạc phẩm mang tên anh được biết tới nhiều nhất ở Việt Nam nhờ bản Việt hóa Chỉ cần một giọt lệ. 2 năm sau khi ca khúc ra mắt, người ta mới nhìn lại và nghĩ: Có lẽ chính vì nỗi đau riêng chất chứa trong lòng nên Brant mới hát lên được giai điệu cay đắng tới vậy.
Rien Qu’une Larme được phát hành ở dạng đĩa than 45 vòng vào năm 1973. Ca khúc được sáng tác bởi 2 mảnh đời khác nhau nhưng dường như có mối liên thông về cả tâm hồn và một phần số phận: Mike Brant viết nhạc còn Michel Jourdan đảm nhiệm phần lời.
Ở Việt Nam người yêu nhạc Pháp rất quen thuộc với bài hát này qua phần lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy: “Một thoáng đôi mắt long lanh sáng ngời/ Em nhìn tôi, lệ hoen ướt mi người/ Vừa mới nghe nói: Xa nhau mất rồi/ Ôi người yêu, lệ rơi ướt môi”…
Người phát ngôn của âm nhạc
Michel Jourdan sinh năm 1934 tại Nice, Pháp. Cha ông là một thợ bánh kỳ tài, đầy đam mê nhưng luôn vắng bóng trong mắt cậu con trai: Ông tình nguyện tham gia kháng chiến, bị bắt, bị tù đày. Jourdan đã nhớ về ông khi viết ca khúc về cha Si Seulement Je Pouvais Lui Manquer mà Calogero thể hiện. Mẹ ông, một người chẳng bao giờ giả vờ nổi là mình vui vẻ, là người dọn dẹp vệ sinh ở quán cà phê.
Với xuất thân như vậy, định hướng dành cho Jourdan là một thợ đóng giày. Tuy nhiên, ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã chỉ mơ tới âm nhạc, chạy theo các cuộc thi âm nhạc. “Nhưng về thanh nhạc, tôi không có năng khiếu” - ông thừa nhận. Thế nên, thay vì đứng trên sân khấu, Jourdan quyết định lùi về phía sau, viết lời trên những nền nhạc khiến ông thổn thức và đôi khi, tự sáng tác nhạc.
Ở tuổi thanh niên, ông rời quê lên Paris cùng một người bạn. Mỗi sớm tinh mơ, ông làm bốc vác rau củ ở chợ Les Halles để kiếm được khoản tối thiểu nuôi sống bản thân. Thế nhưng, dưới tay ông luôn đầy ắp những ca khúc, chờ được khám phá. Sau nhiều lần gửi nhạc cho các ca sĩ mới nổi hay đơn vị xuất bản, cuối cùng, cũng có hãng đặt cược cho Jourdan khi để ông viết nhạc cho nữ diễn viên đang lên Marie Laforet - người “muốn hát nhạc dân gian ngay giữa trào lưu yéyé”. Xúc động trước chất giọng hơi chua của người đẹp, Jourdan đã dâng tặng cô ca khúc Les Vendanges De L’amour. Ca khúc trở thành hit của mùa Hè năm 1964. Còn sau đó ư? Jourdan ngập trong những lời mời gọi.
Nhưng thành công chưa bao giờ làm Jourdan mờ mắt. Luôn giữ nguyên tắc từ trẻ, ông nỗ lực viết lời “chính xác nhất có thể những gì cảm nhận được qua âm nhạc. Bởi ca khúc không phải là một bài thơ. Một bài thơ tự nó đứng vững được. Ca khúc là âm nhạc với những rung động được bộc lộ qua ngôn từ”. Như thể Jourdan có một tài năng đặc biệt là nghe thấy những thổn thức bằng lời trong giai điệu (và điều này đã được công nhận qua nhiều giải thưởng cũng như sự trân trọng của những tên tuổi lớn).
Như vậy, hẳn Jourdan đã cảm nhận được điều gì đó rất đặc biệt khi nghe giai điệu Rien Qu’une Larme do Mike Brant nên mới viết lên ca từ chua xót thế.
Bóng ma quá khứ
Mike Brant tên thật là Moshe Michael Brand, sinh năm 1947 tại Cộng hòa Síp. Cha mẹ ông là những người Do Thái đến từ Ba Lan. Mẹ ông, Bronia Rosenberg, là nạn nhân sống sót ở trại Auschwitz. Cha ông, Fishel Brand, là binh lính trong Thế chiến II, hơn vợ 20 tuổi. Kết hôn sau chiến tranh, đôi vợ chồng từng nộp đơn xin tị nạn ở Ủy trị Palestine nhưng ban đầu bị từ chối. Trên đường nỗ lực tới Israel bằng tàu, họ bị đưa tới trại dành cho người nhập cư Do Thái bất hợp pháp tại Cộng hòa Síp, nơi Brant được sinh ra. May mắn là khi Brant được 7 tháng tuổi, họ được nhập cư vào Israel.
Sau này được biết tới như một danh ca nhưng ngày nhỏ, phải tới năm lên 6, Brant mới bắt đầu biết nói và ít lâu sau đã nói với gia đình cùng bạn bè rằng khi lớn lên, ông sẽ là “một ngôi sao… hoặc một kẻ lang thang”. Năm 11, Brant gia nhập dàn hợp xướng ở trường.
Ở tuổi 17, Brant chính thức bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp khi là giọng ca chính của nhóm nhạc gia đình The Chocolates. Nhóm đầu tiên biểu diễn tại các bữa tiệc, quán cà phê rồi chuyển lên hộp đêm, khách sạn. Anh khi đó hát bằng tiếng Anh và tiếng Pháp dù chỉ biết nói tiếng Hebrew. Năm 1965, Brant đổi tên từ Mosche thành Mike để nghe có vẻ quốc tế hơn. Quả là tên vận vào người, Brant ngay sau đó được phát hiện bởi Yonatan Karmon và được đưa đi lưu diễn ở Mỹ, Nam Phi trong gần 1 năm.
Có được thành công ban đầu nhưng trong Brant vẫn chôn giấu nỗi bất an mơ hồ. Một số người cho rằng bao hành động tàn bạo mà những người bị trục xuất từng là nạn nhân có thể sẽ ảnh hưởng tới tâm trí con họ, ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Thêm vào đó, bệnh loét dạ dày nghiêm trọng và sự bất ổn trong nước càng đè nặng tâm hồn chàng trai trẻ. Thế nên, khi có cơ hội, anh liền rời nhà.
Năm 1969, khi đang hát tại Iran, anh gặp nữ ca sĩ trẻ người Pháp đang lên Sylvie Varta. Ấn tượng trước giọng hát đặc biệt của Brant, cô đã thúc giục anh chuyển tới Paris. Ngày 9/7/1969, Brant đặt chân tới Pháp dù không nói được một câu tiếng Pháp nào. Phải mất 10 ngày trời mới tìm thấy Vartan nhưng bù lại, anh được giới thiệu với nhà sản xuất lừng danh Jean Renard. Dưới sự chỉ dẫn của Renard, cái họ Brand trở thành Brant và một con người mới cũng sinh ra: Từ chàng ca sĩ lang thang ở Israel thành siêu sao ở Pháp với nhiều hit vang dội, thậm chí thành đại diện cho đất nước hình chiếc ủng trong cuộc thi phát thanh châu Âu.
Năm 1973, năm Rien Qu’uen Larme ra đời, chỉ 4 năm sau khi tới Pháp, ở tuổi 26, Brant tổ chức tới 250 hòa nhạc trong năm, với những 6.000 - 10.000 khán giả mỗi đêm. Nhìn bề ngoài, có thể thấy đây là thành công choáng ngợp và nghĩ Brant không thể tự hài lòng hơn. Nhưng Jourdan lại nghe thấy nỗi buồn mênh mang trong giai điệu mà Brant sáng tác. Thế nên, Rien Qu’uen Larme ngập tràn nước mắt của chia ly, hối hận, giằng co.
- Không gian nhạc Pháp của Stéphane Trần Ngọc và Thái Linh
- NSND Đặng Thái Sơn khai Xuân với đêm nhạc Pháp và Chopin
- Ca sĩ Quang Vĩnh: Người hát nhạc Pháp ở Sài Gòn
Đúng như cảm nhận của Jourdan, thời điểm đó, Brant đã bắt đầu rơi vào trầm cảm, mắc Hội chứng thế hệ thứ hai của những người có người thân chịu ảnh hưởng của nạn diệt chủng Do Thái. Hơn thế, y như ca từ Rien Qu’uen Larme, Brant vô số lần khốn khổ vì tình yêu của các cô gái. Vẻ ngoài quyến rũ, giọng hát ngọt ngào, anh liên tục bị các cô gái tấn công bằng kéo (trong nỗ lực cắt lấy một mảnh áo hay lọn tóc của anh) và quấy rối đủ loại trước nhà.
Tháng 11/1974, anh định tự sát, nhảy qua cửa sổ phòng khách sạn của quản lý ở Geneva. Anh bị gãy xương nhưng vẫn sống sót. Sau đó, Brant giảm số buổi diễn, tập trung vào làm album. Tháng 1/1975, anh còn tung 2 đĩa đơn mới.Tuy nhiên, nỗi buồn vẫn không rời bỏ anh. Ngày 25/4/1975, vào ngày album mới phát hành, Brant nhảy lầu tự tử. Lần này, anh đã ra đi mãi mãi ở tuổi 28.
Bản hit của những nước nói tiếng Pháp Khi ra mắt, Rien Qu’une Larme đạt thành công vang dội khi là hit No.1 trên BXH Pháp suốt 9 tuần liên tiếp, bán được hơn 800.000 bản. Hơn thế, nó còn vô cùng được ưa chuộng ở những khu vực nói tiếng Pháp ở Bỉ, Canada, Thụy Sĩ và từ những người yêu nhạc Pháp nói chung khắp thế giới, bao gồm Việt Nam. Nội dung Rien Qu’une Larme là về nỗi khổ của một chàng trai bao lần nói chia tay người yêu nhưng khi thấy cô khóc, anh lại thấy yêu cô vô cùng, lại buồn vì làm cô đau và mong thấy cô cười trở lại. Bản Việt hóa của nhạc sĩ Phạm Duy giữ nguyên ý tứ này và, như nhiều bản Việt hóa khác của ông, lại mang cả hơi thở rất Việt Nam. Nhiều ca sĩ Việt Nam đã thể hiện bản Việt hóa này, nổi bật nhất là bản của Julie Quang. |
Thư Vĩ