Remote: Ai là triệu phú pha trò
Xem chương trình Ai là triệu phú đêm 30/12 trên VTV3, bà ngỡ ngàng câu hỏi tưởng chừng rất chi là nghệ thuật: “Theo một câu hát thì: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống... ai?”. Nhưng hỡi ôi, bốn đáp án đưa ra: A. Ông hàng xóm; B. Chú cạnh nhà; C. Ba; D. Bác đầu ngõ.
Ai là triệu phú trên VTV3 là một game show hấp dẫn thu hút hàng triệu khán giả, với bà chủ, đến nay nó vẫn còn nguyên độ “hot”. Điểm đặc biệt của trò chơi này là hiếm có người chơi nào phải ra về tay không, ít ra cũng được chút “lộ phí tàu xe” với năm câu hỏi khuyến mãi đầu tiên. Chẳng hạn câu hỏi: Con lợn có mấy chân: 1 - 2 - 3 - 4... Đó là trò chơi, mà chương trình có thể đặt ra bất kỳ kiểu câu hỏi nào, miễn đảm bảo yêu cầu giải trí vui vẻ, lành mạnh là được.
Bà chủ thừa hiểu đây là một cách pha trò, mang lại phút thư giãn cho người xem trong những câu hỏi khởi động và giúp người chơi làm quen. Nhưng bà thấy sống sượng thế nào ấy. Lâu nay bà vẫn tôn trọng chương trình trò chơi này như một live show mang tính uyên bác, gợi cho mọi người cùng học, biết thêm nhiều cái hay.
Nhưng rõ ràng, câu hỏi và cách đưa ra các đáp án dành cho người chơi - ca sĩ Minh Thư - là cách đùa kém duyên. Đây là chuyện cười ra nước mắt. Chẳng phải cao siêu gì, bà cứ nghĩ rằng có không ít người nghe câu hỏi này sẽ suy diễn theo hướng rất… sinh lý và vi phạm pháp luật hôn nhân một vợ một chồng.
Bà chủ có một ông bạn đồng nghiệp chuyên lấy chuyện ấy bông lơn đùa cợt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chuyện gì ông cũng quy về chuyện đàn ông đàn bà. Giữa cuộc họp hành căng thẳng mà ông lôi chuyện này ra và cười khùng khục cũng giảm áp lực. Kiểu đùa ấy xuất hiện thường xuyên nhất lúc trà dư tửu hậu hay cả phòng cà phê chém gió.
Câu đố này nếu được đưa ra trong bàn nhậu, giữa những bạn bè đồng trang phải lứa thì đúng là đùa cho vui. Nhưng, kiểu đùa cho vui ấy mang lên sóng truyền hình, trong một chương trình thu hút già trẻ lớn bé cùng xem thì nó khiến bà chủ… buồn quá.
Bà chủ buồn cũng phải thôi, các trang mạng bây giờ nhan nhản tin giật gân, chuyện chó cắn người bây giờ không còn đủ độ hấp dẫn, nên phải có những tin kiểu “người cắn chó”. Rồi chuyện nữ hoàng dao kéo, hở nội y, cướp giết hiếp… Về mở ti vi các chương trình giải trí nhan nhản chuyện giật gân, chiêu trò mua vui đến dựng tóc gáy. Bà không muốn sự nhảm nhí xâm phạm vào lãnh địa ấy. Remote tôi cũng thông cảm được cho bà chủ, như một khán giả đứng ra bảo vệ chương trình con cưng trong suốt 10 năm của mình.
Remote
Thể thao & Văn hóa