Rẻ và sạch, ngẫm và đau
(Thethaovanhoa.vn) - Ca sĩ Mỹ Linh vừa lên tiếng trong một sự kiện rằng: “Các vị muốn ăn sạch, thực phẩm là thứ bảo vệ sức khỏe các vị nhất mà các vị muốn rẻ, trong khi đó các vị lại có thể mua những thứ rất là đắt, các vị có thể đi nghỉ, đi ô tô, nhà lầu. Nhưng cái thiết thực nhất cho sức khỏe, các vị lại muốn rẻ. Tôi nghĩ rằng, làm như vậy là không bảo vệ người nông dân và nếu mà vẫn tư tưởng rẻ như thế thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Muốn rẻ thì không thể tin được. Bây giờ ở nhà tôi tự trồng, tôi thấy rất là đắt, tôi thấy không hề rẻ tí nào cả”.
- Mỹ Linh trồng rau, nuôi cá, thả gà tại trang trại ở Sóc Sơn
- Xử lý thực phẩm 'bẩn': Không thể 'bắt cóc bỏ đĩa'
Phát ngôn đó bị cắt cúp rằng “Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch” khiến người ta ào ào tranh cãi.
Từ lâu, chuyện cái ăn vào miệng hàng ngày trở nên cực kỳ nhạy cảm trong xã hội, nhất là khi các doanh nghiệp đại gia chuyển hướng đầu tư vào sản xuất thực phẩm sạch. Mở mắt ra, đâu đâu cũng thấy thông tin ung thư, thấy thực phẩm bẩn và nhiễm độc. Đôi khi khiến người ta cảm giác cách sản xuất manh mún của phần đông nông dân đang bị đánh đồng với sự bẩn thỉu, không an toàn. Và những bữa ăn hàng ngày đầy rấy mùi của lo sợ và vị của nỗi hoang mang.
Nữ ca sĩ tự mình trồng rau, nuôi cá, nuôi gà...
Nó nhạy cảm đến nỗi, đến câu nói của nguyên Bộ trưởng rằng "đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn" đã bị phản ứng vô cùng dữ dội, dù ông đưa ra dẫn chứng đàng hoàng. Sau đó ông phải xin lỗi “vì chưa diễn đạt hết ý khiến nhiều người hiểu nhầm".
Nó nhạy cảm đến nỗi một phóng viên phải dàn dựng cả phóng sự Cây chổi quét rau trên truyền hình để lừa người nông dân “tự thú” rằng mình đang dối trá: "Rau mà non người ta không dám ăn. Nên bây giờ phải quét để giả sâu ăn. Quét xong khoảng 2-3 hôm sau mới thu hoạch cho giống sâu ăn thật".
Vì thế, câu nói của Mỹ Linh sau khi bị cắt cúp giật tít là "Mỹ Linh: Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch" gây bão cũng là dễ hiểu. Người ta lập tức post status chửi Mỹ Linh chỉ trong một nốt nhạc. Vì sao?
***
Thực tế, giữa lúc giá hàng hóa trong nước leo thang, nếu là bà nội trợ, ra chợ dù muốn hay không cũng không thể có nhiều sự lựa chọn, dù chưa biết chất lượng thế nào, hàm lượng chất độc hại ra sao, nhất là người nghèo và công nhân. Và điều quan trọng nữa, dù biết là bẩn nhưng vì túi tiền không cho phép nên họ vẫn cứ “nhắm mắt đưa chân” mua đồ ăn rẻ.
Hay chỉ cần nhìn những chợ cóc tràn lan ở những khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ thấy ngay sự nghèo nàn đến nao lòng của hàng chục triệu công nhân. Lương thấp, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, công nhân chỉ dám ăn uống kham khổ với mớ rau nhàu úa, những miếng thịt tím tái, con cá đã ươn mềm... vào cuối phiên chợ chiều sau buổi tăng ca để tái tạo sức lao động. Để rồi ngày mai lại lặp lại nhịp đời nghèo nàn và khó nhọc như thế.
Trong khung cảnh xã hội phân hóa giàu nghèo một cách khủng khiếp, phát biểu của ca sĩ dễ gây hiểu lệch hướng vấn đề theo ý “tiền ít đừng hít thịt thơm”. Thêm nữa, hẳn không thiếu người nghe không hết ý có cảm giác một sự khoe khoang mình ăn sạch trước một đám đông ăn bẩn và cô hứng nhận gạch đá từ cộng đồng là dễ hiểu.
Thực tế, nếu chiết tự, bắt bẻ câu chữ để lôi nhau ra “đấu tố” thì khó ai có thể lại với cả “cộng đồng mạng” luôn đầy rẫy những cao thủ hoạt ngôn lợi khẩu trên bàn phím. Và thực tế, ca sĩ Mỹ Linh cũng phải nhớ rằng, nhiều tiền cũng chưa chắc sạch, thậm chí tự mình làm ra cũng chưa chắc sạch, bởi chúng ta không phải đang thời nguyên thủy “ăn nông ở lỗ”. Muốn trồng rau nuôi lợn thì giống mua ở đâu, có biến đổi gen hay không, cám bã thế nào, rồi nước tưới có thực sự là sạch không?... Và nhiều thứ lắm. Một chuỗi mắt xích sạch mới có thực phẩm sạch.
***
Bao nhiêu năm trước thời mở cửa, chúng ta trung thành với những ngôi chợ quê nhỏ bé, những quả na, buồng chuối, thúng nếp cái hoa vàng… nuôi dưỡng nên tâm hồn và thể xác Việt Nam. Nhưng bây giờ, nó đang bị nhìn với con mắt nghi ngại khó tả. Và đáng sợ hơn nữa, dù có cố làm rẻ như lời Mỹ Linh nói, người nông dân của ta cũng không cạnh tranh nổi trước những thực phẩm rẻ như bèo, đầy hóa chất độc hại tràn qua từ nước láng giềng.
Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc quay trở về những nông sản Việt, với mồ hôi nước mắt của người Việt. Vừa để cứu chính bản thân mình khỏi bị đầu độc, vừa để cứu người nông dân, vốn đã nghèo khỏi thảm cảnh “phá sản”.
Ngẫm cho cùng, Mỹ Linh đã nói thật ra cái thực trạng nhức nhối của đất nước mình. Nó không chỉ là chuyện ăn uống, chuyện người Việt lừa gạt đầu độc nhau mà cả sự phá sản của người nông dân Việt Nam, nếu không thể sản xuất rẻ hơn nữa để cạnh tranh. Về sự “bất lực” của một số cơ quan quản lý và cả câu chuyện to đùng về hố phân cách giàu nghèo của xã hội. Ngẫm mà đau xót.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa