Rải tiền lẻ tại đền Bà Chúa Kho - sự chuyển hướng tín lý?
(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay lại có hàng ngàn du khách đến vía đền Bà Chúa Kho (Cổ Mễ, tỉnh Bắc Ninh), rất nhiều người trong số đó lại rải tiền lẻ để cầu mong tài lộc, chức tước. Theo các tư liệu để lại, thói quen rải tiền lẻ cầu mong tài lộc, chức tước mới có thời gian sau này, gần như ít liên quan gì đến gốc tích, biểu tượng và tín lý thờ Bà Chúa Kho…
- Gần 55 tỷ đồng tu bổ đền Bà chúa kho giúp dân 'vay tiền' thuận lợi
- Chùm ảnh: Đền Bà Chúa Kho đông nghịt người vay tiền, cầu tài lộc
Cứ đầu năm, nhiều người - nhất là giới kinh doanh, buôn bán... lại đến đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) để vay vốn, vay tài lộc, vay may mắn làm ăn, mong thăng quan tiến chức. Theo lời đồn thì có vay phải có trả, đầu năm vay thì cuối phải năm trả, nhưng khác với tình trạng đầu năm đông nghẹt khách vay, cuối năm nơi đây thường rất vắng vẻ khách trả, chứng tỏ nhiều người đến vay mà không đến trả.
Theo gốc tích, Bà Chúa Kho vốn là một nữ quan trông coi kho lương thời Lý, bà cũng có công giúp nhân dân dẫn thủy nhập điền, phát triển mùa màng, tích trữ lương thực. Ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077), nhà Tống xâm lược nước ta, bà đầu quân dưới trướng Lý Thường Kiệt để bảo vệ các kho lương ở Cổ Mễ (viết đúng chữ là Cô Mễ: rau gạo), núi Kho, cầu Gạo... ở bờ Nam sông Như Nguyệt, rồi hy sinh. Nhà vua truy phong bà là phúc thần, nhân dân lập đền thờ bà tại Cổ Mễ.
Ban đầu, đến ngày giỗ Bà Chúa Kho, người dân thường mang những lương thực làm được trong năm lên đền dâng lễ để ghi nhớ công ơn, nhiều đến mức phải lập kho chứa nhỏ sau đền. Có nhiều năm thiên tai mất mùa, nhiều người dân lên đền xin mượn lại thóc giống, hạt giống về làm vụ mùa mới, sau thu hoạch lại mang lên dâng trả.
Suốt cả ngàn năm qua, biểu tượng và tín lý thờ Bà Chúa Kho chỉ có vậy. Việc chuyển từ vật phẩm nông nghiệp sang tiền lẻ mới có thời gian sau này, nở rộ khoảng 15 năm gần đây. Thật khó để tìm được sợi dây tín lý giữa Bà Chúa Kho và hành động rải tiền lẻ.
Tuy nhiên, trong lịch sử tín ngưỡng, việc chuyển hướng tín lý, tín điều và vật dụng thờ tự cũng là điều hết sức bình thường. Nhưng điều không bình thường ở đây chính là việc rải tiền lẻ vô tội vạ, chẳng theo một thể thức, quy chuẩn nào. Thậm chí nhiều người còn tìm cách nhét tiền lẻ vào thân tượng, bệ thờ, vật thờ… trông rất phản cảm, kém hẳn về thẩm mỹ.
Hành động rải tiền lẻ trên lối đi, xuống tiểu cảnh hồ nước, rồi có cả chuyện giẫm đạp khiến tiền rách bươm… thì khó cho thấy đó là hình ảnh trang trọng, tôn nghiêm, hướng thượng. Trong quy ước cúng tế ngày xưa thì giấy tiền vàng bạc được xếp trang trọng, đẹp mắt, tùy mỗi lễ mà có số lượng riêng, chứ không phải càng nhiều càng tốt.
Hơn nữa, trong tín lý thờ tự, vàng mã đã được chuẩn hóa thành biểu tượng, triết lý nên lễ nào vật nấy, việc “lồng ghép” rồi thay thế bằng tiền lẻ có thể là một chuyển hướng tín lý, nhưng lại là một hành động thụt lùi về tính biểu tượng, quan niệm, triết lý trong thờ tự. Bởi nếu từ xưa mà cũng dùng tiền lẻ, bạc lẻ để thờ cúng thì chắc tín lý thờ cúng khó phong phú, quy củ như đã thấy.
Vô Ưu