'Rác văn hóa trên trời' thách thức cơ quan chức năng
“Vô tư” phát hành phim gắn mác 18+
Vừa qua, bộ phim Căn hộ số 69 đã trở thành tâm điểm bàn cãi của không chỉ dư luận mà còn làm đau đầu các cơ quan quản lý. Căn hộ số 69 được giới thiệu là bộ phim sitcom đầu tiên của Việt Nam gắn mác 18+ dám nói thẳng, nói thật, không tránh né những vấn đề về tình dục, tình yêu cũng như những cung bậc tình cảm, tâm lý, sinh lý của những thanh niên thành thị ở độ tuổi trưởng thành và tự lập trong cuộc sống của mình.
Vừa mới ra mắt tập đầu tiên, bộ phim đã thu hút lượt xem vô cùng lớn, đồng thời cũng vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận. Có không ít khán giả nhận xét, nội dung bộ phim nhạt nhẽo, những cảnh quay trong phim quá thô, không phù hợp với văn hóa Việt.
Đó là chưa kể, nhiều hành động của diễn viên trong phim khơi gợi tính dục một cách lộ liễu. Có thể kể tới cảnh cô gái vô tư cởi áo ngực sau khi than: “Nóng thế này thì làm sao mà con phát triển được, phải cởi ra”. Hay, cảnh chàng trai “tự sướng” trên ghế sofa ở phòng khách lẫn ngoài bến đỗ xe buýt một cách bệnh hoạn. Cảnh cô gái ăn chuối được đặc tả, quay cận cảnh thô thiển và còn nhiều tình huống thô tương tự.
Vì nội dung nhảm nhí cùng những cảnh quay nhạy cảm, Căn hộ số 69 rất khó có thể chiếu trên bất cứ kênh truyền hình nào, và Youtube trở thành sự lựa chọn của ê-kíp làm phim. Điều đáng nói là dù gắn mác 18+, tức là đã giới hạn độ tuổi nhưng Youtube lại không quản lý được độ tuổi của những người truy cập, đồng nghĩa với việc khán giả dưới 18 tuổi cũng vô tư xem phim nếu muốn.
Không chỉ vô tư phát hành bộ phim, ê-kíp thực hiện cũng không quên thực hiện những bộ hình khêu gợi với bikini, ảnh hậu trường ngả ngớn để “lăng xê” cho bộ phim gây chú ý. Vì bị chỉ trích nhiều, ê-kíp tự dừng sản xuất các tập tiếp theo nhưng lại thực hiện một video nhạc thay lời chào tạm biệt với độ nhảm nhí, phản cảm không kém bộ phim là Oh my chuối.
Có khán giả nhận xét, Oh my chuối là một kiểu nghệ thuật gợi dục. Oh my chuối vốn là một câu nói dạng slogan của nhân vật mà Sĩ Thanh đảm nhiệm trong Căn hộ số 69. MV với ca từ dung tục và nhảm nhí, một lần nữa khiến người yêu nhạc Việt thất vọng tràn trề khi nghệ thuật hiện đại bị đánh đồng với gợi dục phản cảm. Không có những cảnh nóng nhưng những màn vũ đạo sexy với trang phục cũn cỡn, gợi cảm trong Oh my chuối cũng khiến nhiều người xem phải đỏ mặt.
Quảng cáo khêu gợi, nhạc thảm họa
Một clip quảng cáo gây tranh cãi nhiều nhất thời gian gần đây là đoạn quảng cáo về sữa tắm toàn thân do Ngọc Trinh đảm nhiệm vai chính. Nội dung quảng cáo kể về hai tên trộm đặt máy quay trong nhà của Ngọc Trinh và họ được “đãi mắt” bằng cảnh tắm nóng bỏng của chủ nhà kéo dài hơn một phút.
Bỏ qua cái kịch bản khiên cưỡng, gượng ép một cách thái quá, những cảnh quay trong clip khiến người xem “nhức mắt”. Trong clip, Ngọc Trinh từ từ trút bỏ xiêm y, phơi bày gần trọn vòng một, vòng ba khiến người xem không khỏi bị “hút mắt”. Các diễn viên phụ cũng có những động tác phụ hoạ đi kèm như nước miếng nhễ nhại, vuốt ve cơ thể dễ gây liên tưởng về ham muốn tình dục...
Tương tự như Căn hộ số 69, quảng cáo nhạy cảm của Ngọc Trinh khó lòng được các nhà đài chấp nhận. Nhưng chỉ sau khi đăng tải trên Youtube, clip lan truyền nhanh chóng mặt. Và như thế, dù không được phát tán theo con đường chính thống, clip quảng cáo đã đạt được mục đích phổ biến rộng rãi.
Đây không phải lần đầu tiên Ngọc Trinh đóng những clip quảng cáo khêu gợi, khoe thân như vậy. Các quảng cáo mì tôm, nước tăng lực… trước đây của Ngọc Trinh dù bị chỉ trích, thậm chí là nhận án phạt từ cơ quan chức năng nhưng người mẫu này chưa có ý định từ bỏ. Trên trang facebook cá nhân, Ngọc Trinh lý giải, nội dung quảng cáo phù hợp với hình ảnh của cô và còn tự hào tiết lộ tiền cát-xê của quảng cáo cao đến mức nhiều người phải ao ước.
Cũng phải kể thêm một hiện tượng làm xôn xao làng giải trí cả nước bước ra từ Youtube với cái tên “ca sĩ Lệ Rơi”. Ngay khi anh nông dân trồng ổi Nguyễn Đức Hậu, sống ở Hải Dương tự đặt “nghệ danh” Lệ Rơi rồi đăng lên Youtube, trang mạng xã hội Facebook những clip hát lại các ca khúc nổi tiếng khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” bởi những cuộc tranh luận. Cộng đồng mạng phân thành nhiều luồng ý kiến khác nhau, người thấy vui, được giải trí, cười thoải mái. Một số khác mỉa mai, chỉ trích chàng trai trẻ này là “thảm họa” âm nhạc… Tiếp đến là những bài phỏng vấn, thậm chí là thực hiện… giao lưu trực tuyến trên báo, ghi âm ca khúc trong phòng thu, mời biểu diễn…
Đến lúc này, cộng đồng mạng, khán giả mới giật mình bởi sự việc đã đi quá giới hạn của sự lố bịch. Xa hơn, cộng đồng mạng dễ dàng tìm kiếm, bắt gặp vô số clip nhảm nhí Anh không đòi quà, cho đến đánh đập, chửi bới… trên internet. Có một nhà xã hội học đã từng nhận định, “rác văn hóa” đang tràn ngập trên mạng. Không kiên quyết xử lý thì rất nguy hại. Nhưng ai là người xử lý nhỉ, vì nó ở “trên trời”?
Đây chỉ là một số các hiện tượng nổi bật, điển hình làm dậy sóng tranh cãi suốt thời gian vừa qua. Trong khi đó, còn rất nhiều sản phẩm âm nhạc thảm họa, các tiểu phẩm “hài tục tĩu” nhan nhản trên Youtube hiện nay với các tựa đề: Yêu vì tình dục, Cảnh sát dê gái, Thằng khùng làm thượng đế… Vô tư phát hành, thoải mái xem, kèm theo điều đáng lo ngại là những ngôn từ, cách hành xử của thế giới ảo đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời thực, tới văn hóa và lối sống của những bạn trẻ thời hiện đại.
Báo Văn hóa