'Quyền được lãng quên' - nguồn cơn cuộc chiến pháp lý giữa giới chức Pháp và Google
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc chiến pháp lý giữa Google và giới chức Pháp liên quan đến "quyền được lãng quên" vẫn chưa khép lại khi "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ này tiếp tục đưa vụ việc ra một tòa án hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) với lý do lo ngại việc áp dụng quy tắc này của châu Âu trên phạm vi toàn cầu sẽ đe dọa quyền bày tỏ ý kiến của người dùng.
- VIDEO: Google ứng dụng AI chống lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng
- Google thay logo chào mừng Ngày Quốc khánh với áo dài, nón lá, hoa sen
Ngày 11/9, nguồn tin Tòa án Tư pháp châu Âu ở Luxembourg cho hay trong phiên tranh tụng diễn ra cùng ngày, các thẩm phán đã lắng nghe lập luận cùng các chứng cứ của các bên liên quan, gồm Ủy ban Tự do thông tin quốc gia Pháp (CNIL), đại diện Google và một số nhóm hoạt động nhân quyền.
Tranh cãi pháp lý giữa Google và CNIL bùng phát từ năm 2014 sau khi Tòa án Tư pháp châu Âu ra phán quyết về việc áp dụng quy tắc “quyền được lãng quên” của EU, theo đó trong một số trường hợp nhất định, mọi cá nhân tại châu Âu đều có quyền yêu cầu Google và các hãng tìm kiếm Internet gỡ bỏ các kết quả có chứa thông tin của họ trên mạng Internet.
Dù không hài lòng với phán quyết trên, song Google vẫn tuân thủ với việc xóa bỏ các kết quả tìm kiếm theo yêu cầu của khách hàng trên các trang tìm kiếm có tên miền ở châu Âu như Google.fr or Google.de, trừ trang Google.com hoặc các trang có tên miền bên ngoài EU.
Việc Google chỉ tuân thủ một phần phán quyết của tòa đã vấp phải sự phản đối của CNIL và cơ quan này đã yêu cầu Google phải thực hiện quy tắc “quyền được lãng quên” đối với toàn bộ các phiên bản trình duyệt của mình.
Hồi năm 2016, CNIL đã phạt Google 100.000 euro (tương đương 112.000 USD) với lý do không tuân thủ quy định trên. Tuy nhiên, Google đã thể hiện thái độ cứng rắn bằng việc đưa vụ việc lên tòa án cấp cao nhất của Pháp và khẳng định hãng đã áp dụng quy tắc “quyền được lãng quên” đối với hơn 99% kết quả tìm kiếm tại Pháp.
TTXVN