Quý tộc ở Việt Nam, miễn phí ở Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị,
Nếu như ở Việt Nam bóng đá đang ngày càng trở thành môn thể thao chỉ dành cho người có tiền, và tennis vẫn chưa thể trở thành môn chơi bình dân, thì đó chỉ là hai trong số rất nhiều những môn thể thao người ta có thể chơi miễn phí ở Mỹ. Nói là rất nhiều như vậy vì những môn thể thao được người Mỹ hâm mộ, dõi theo các giải chuyên nghiệp và tự bản thân họ tập luyện đông đảo, chỉ có golf là môn thể thao không thể chơi miễn phí.
Nhưng ngay cả khi golf buộc người chơi phải trả tiền để được vào sân, thì nếu ai đó chỉ muốn tập luyện vài kỹ thuật cơ bản của môn thể thao này như chíp bóng lên mặt cỏ (green) hay gạt bóng xuống hố thì chỉ sợ họ không có sức và thời gian.
Thủ đô hành chính Washington D.C “biên chế” thành tám phường, có 136 sân tennis nằm xen lẫn khu dân cư có thể cũ mới khác nhau nhưng chung đặc điểm là cửa không bao giờ khóa. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng sân với nguyên tắc đến trước chơi trước và chỉ được chơi một tiếng đồng hồ nếu ngoài sân có người chờ đợi.
Sân bóng đá khó thống kê hơn, nhưng hầu như trường học nào cũng có sân bóng vừa để chơi bóng đá kiểu Mỹ lẫn bóng đá chỉ đá bằng chân. Nó không chỉ mở cửa cho sinh viên, học sinh của trường mà mọi người đều có thể sử dụng.
Điều này giải thích tại sao thể thao ở Mỹ nói chung phát triển không chỉ ở đỉnh cao mà cả ở cấp độ phong trào.
Bóng đá Mỹ hai chục năm qua (tính từ World Cup 1994), hầu như không sản sinh ra những cầu thủ tài năng là bởi cộng đồng người da trắng vẫn không mặn mà với môn thể thao này, còn người nhập cư châu Á và Mỹ Latin không coi thể thao là con đường có thể dễ dàng xác lập vị trí cho thế hệ con cháu của họ trong xã hội Mỹ trong tương lai.
Nhưng, ở đây tôi không định nói thêm về thể thao của nước Mỹ hay kiến giải những nguyên do thành bại. Điều đáng kể nhất là ý thức về tầm quan trọng của giáo dục thể chất để một trường như Đại học Columbia ở Washington D.C, nằm chỉ cách Nhà Trắng chừng 15 phút lái xe (nơi đất chật người đông) cũng có năm sân tennis, hai sân bóng đá, một nhà thi đấu bóng rổ, hay Trường Mesiah nằm ở ngoại ô thành phố Harrisburg (bang Pennsylvania) có khu tổ hợp thể thao giống như một trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Và tất cả các khu dân cư đều có các cơ sở thể thao công cộng mở cửa tự do như một nguyên tắc bất di bất dịch.
Cuối tuần trước, tôi đi qua khu vực Đông Nam của Washington, nơi nhiều người da màu sinh sống và là nơi mà thủ đô của Mỹ đang mở rộng về phía ấy, sân bóng rổ, bóng đá, sân tennis được xây cất đồng thời với những khu căn nhà liền kề. Cách quy hoạch ấy, và xây dựng quy trình ấy giống như những gì đã diễn ra cách nay nhiều thập niên.
Chúc các anh chị sức khỏe, và hẹn ở thư sau!
Phạm tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần