Quy định về tốc độ, khoảng cách của xe cơ giới trên đường bộ
Theo Thông tư này, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới được ghi trên biển báo hiệu đường bộ; tại những đoạn đường không có biển báo hiệu đường bộ quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thực hiện các quy định tại Thông tư này. Cụ thể, khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, đường cấp cao, đường khai thác theo quy chế riêng, khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau: tốc độ lưu hành đến 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 30m; tốc độ lưu hành trên 60km/h đến 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 50m; tốc độ lưu hành trên 80km/h đến 100km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 70m; tốc độ lưu hành trên 100km/h đến 120km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 90m. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định nói trên.
Thông tư cũng quy định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp: có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; qua cầu, cống hẹp, khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc; qua khu vực có trường học vào giờ học sinh đến trường hoặc tan trường, khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường, khu vực đang thi công trên đường bộ, hiện trường xảy ra tai nạn giao thông; khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ có khách đang lên, xuống xe…
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 05/2007/QĐ-BGTVT ngày 02/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.