Quang Trung, Nguyễn Huệ là anh em: Lịch sử không chỉ là những cái tên
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Quang Trung, Nguyễn Huệ là anh em, gò Đống Đa là di tích liên quan tới Trần Quốc Tuấn, Quang Trung, Nguyễn Huệ là bố con, Quang Trung, Nguyễn Huệ là bạn thân chiến đấu cùng nhau; Quang Trung đại phá quân Thanh trên sông Bạch Đằng; Quang Trung với Nguyễn Du là một…
Hàng loạt câu trả lời trên của các em học sinh về “mối quan hệ giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ” trên truyền hình khiến dư luận bức xúc. Đáng buồn hơn, các cuộc phỏng vấn này được phóng viên thực hiện ngay sát gò Đống Đa, nơi bức tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ ngự sừng sững.
Hẳn nhiên, các em nhỏ trả lời phỏng vấn không đáng trách. Bởi các em chỉ là sản phẩm của hệ thống giáo dục mà cụ thể hơn là môn lịch sử. Và khi các em không phân biệt được Quang Trung- Nguyễn Huệ thì đó là sự thất bại của cách giáo dục lịch sử.
Đã một thời gian dài, các nhà giáo dục, chuyên gia lịch sử lên tiếng về chương trình lịch sử trong nhà trường quá khô cứng. Học sinh chỉ mường tượng về lịch sử bằng những cái tên, những con số. Mà lịch sử có vô vàn cái tên, vô vàn trận đánh và vô vàn số liệu. Nên học sinh chỉ nhớ mang máng rằng trong lịch sử có những cái tên: Trần Quốc Tuấn, Quang Trung, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du... Và việc chỉ tiếp cận lịch sử từ lớp vỏ ngôn ngữ này dẫn tới những nhầm lẫn đáng buồn như câu chuyện vừa rồi là điều dễ hiểu.
2. Vậy lịch sử có gì ngoài những cái tên? Lịch sử có quá nhiều những câu chuyện, những phận người. Lịch sử còn biết bao bài học cha ông chắt thành từ bao đắng cay, mất mát. Lịch sử cũng để lại vô vàn di sản ký ức để khi nhớ về người hậu thế dưng dưng tự hào hay ngậm ngùi, chua xót.
Thế nên, việc học lịch sử phải xuất phát từ những câu chuyện, những mảnh đời. Lịch sử chỉ đi vào lòng người khi những biến động xưa cũ được trao truyền nhẹ nhàng, tự nhiên như lời mẹ kể lúc ru con, như lời cha dặn trong những ngày mưa gió.
Có như vậy, học sinh mới không quên lịch sử, không nhầm lịch sử mà hơn thế, người trẻ sẽ có cảm hứng và cảm xúc với lịch sử. Người trẻ sẽ kính cẩn trước bia Văn Miếu Quốc Tử Giám thay vì ngồi lên đầu rùa vì coi đó như phiến đá vô tri. Các em cũng không hồn nhiên xếp hình chữ Sex trong Hoàng Thành Thăng Long khi chụp ảnh kỷ yếu.
Và quan trọng hơn hết thảy, người trẻ hiểu mình là phần của dòng chảy lịch sử. Họ sẽ là người cầm bánh lái định mệnh của dân tộc mà bao lớp người đi trước đã gắng công chèo lái qua những khúc quanh co, nguy hiểm.
Còn nếu giáo dục lịch sử vẫn để học sinh băn khoăn Quang Trung, Nguyễn Huệ là bố con, anh em hay bạn chiến đấu thì cái chúng ta mất không chỉ là một cộng đồng không có ký ức mà chúng ta còn đang rất mạo hiểm với tương lai lạc loài không cội rễ.
Hay nói như nhà văn nổi tiếng Robert A Heinlein: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ - và cũng không có tương lai”.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa