Quảng Ninh nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, việc nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI được các cấp, các ngành Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tích cực nhiều mặt, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của địa phương, góp phần thực hiện, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
PAPI năm 2020 được khảo sát trên gần 15 nghìn công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả phân tích từ trải nghiệm và đánh giá của người dân thể hiện qua các trục nội dung của chỉ số PAPI sẽ là kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn là căn cứ cho hệ thống chính quyền các cấp, các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Qua chấm điểm 8 nội dung chỉ số PAPI năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã xuất sắc thăng hạng 2 bậc, trở thành tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PAPI 2020 với tổng điểm 48,811. Đặc biệt, tỉnh dẫn đầu cả nước ở 3 tiêu chí thể hiện rõ nhất sự đánh giá khách quan của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động hành chính công, gồm: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (6,499 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,286 điểm) và cung ứng dịch vụ công (7,713 điểm).
Tỉnh cũng nằm trong top đầu cả nước ở các tiêu chí: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,805 điểm), thủ tục hành chính công (7,611 điểm), quản trị môi trường (4,964 điểm) và quản trị điện tử (3,14 điểm).
- Phú Thọ công khai Quy chế tổ chức hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công phục vụ người dân tốt nhất
- Quảng Ninh xây dựng đồng bộ và toàn diện các trung tâm hành chính công
Kết quả này là sự phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ của tỉnh Quảng Ninh triển khai thời gian qua trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự hài lòng của người dân như: Tập trung tuyên truyền các nội dung của chỉ số PAPI để người dân, doanh nghiệp nắm bắt; đẩy mạnh công khai, minh bạch tại các đơn vị, địa phương đặc biệt các vấn đề liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất đai…; tập trung giải quyết các kiến nghị, đơn thư khiếu nại của người dân; đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân…
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng Quảng Ninh không tự hài lòng với chính mình mà ngay sau khi kết quả PAPI được công bố, tỉnh đã ngay lập tức tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu chỉ số này, nhận định thẳng thắn những hạn chế và đề xuất nhiều biện pháp khắc phục. Đặc biệt, trong đó, chỉ số thành phần Trách nhiệm giải trình với người dân – tiêu chí duy nhất tỉnh bị giảm điểm, giảm bậc so với năm trước đó (giảm 0,097 điểm, giảm 5 bậc, đứng thứ 43/63) đã được phân tích, mổ xẻ kĩ càng.
Cụ thể, trong mục đánh giá mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền địa phương của người dân, tỷ lệ người dân cho biết họ đã liên hệ với cán bộ các cấp từ thôn, bản, khu phố lên đến cấp xã, phường và các đoàn thể đều ở mức khá thấp. Điều này cho thấy, khi gặp các vấn đề khúc mắc, người dân chưa lựa chọn đến chính quyền cấp cơ sở để nhờ tư vấn giải quyết.
Hay như tỷ lệ người dân cho biết họ đã gửi khuyến nghị, tố giác, tố cáo, khiếu nại tới chính quyền địa phương chỉ đạt 20,04%; tỷ lệ người cho biết những ý kiến của họ đã được chính quyền phúc đáp thỏa đáng cũng chỉ đạt 18,21%. Điều này cho thấy, người dân chưa đánh giá cao việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của chính quyền địa phương. Cùng với đó, cũng chỉ có 5,59% người được khảo sát cho biết họ sẽ sử dụng các biện pháp phi tòa án khi có tranh chấp dân sự…
Đề xuất các biện pháp giải quyết hạn chế này, các cấp, các ngành từ tỉnh xuống cơ sở đã và đang tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và đặc biệt là khả năng giao tiếp ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp nhằm đáp ứng những yêu cầu của người dân khi tiếp xúc với chính quyền địa phương.
Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng tích cực, chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ, tiếp thu, lắng nghe và giải quyết kịp thời, triệt để, thấu đáo các khiếu nại, tố cáo của người dân; tạo điều kiện để người dân được tham gia, có ý kiến đề xuất vào các hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Qua đó, từng bước tạo dựng và củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với công tác cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo giá trị hoạt động của bộ máy nhà nước…
Thảo Nhi