Quảng Nam khơi nguồn du lịch cộng đồng các huyện miền núi
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã tổ chức khảo sát các điểm du lịch và hội nghị tour du lịch phía Tây tỉnh Quảng Nam.
Đã từ lâu, đánh thức được tiềm năng du lịch cộng đồng của đồng bào miền núi dầy trầm tích văn hóa là khát vọng của những người làm văn hóa, du lịch Quảng Nam.
Xuất phát từ thành phố Tam Kỳ, đoàn khảo sát gần 50 người đã tiến về huyện Nam Giang. Đầu tiên, để ôn lại những năm tháng hào hùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đoàn chúng tôi đã đến tham quan tại đường mòn Hồ Chí Minh. Với chỉ 1,3 km nằm giữa núi rừng Tà Bhing, Nam Giang, đoạn đường phần nào đã tái hiện lại bức tranh của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Đó là những chiếc xe Jin vận chuyện của bộ đội ta ngày trước, là bếp Hoàng Cầm, là dòng suối mát chảy rốc rách dưới tán cây rừng.
Chia tay đường Hồ Chí Minh lịch sử, các thành viên trong đoàn được đắm mình dưới dòng thác Grăng bọt tung trắng xóa. Một tuyệt tác của thiên nhiên, dòng thác Grăng như áng mây bay trên bầu trời đổ xuống trần gian. Tiếng thác đổ ầm ào, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim reo ca thánh thót, tất cả hòa quyện tạo nên bản giao hưởng âm thanh núi rừng tuyệt diệu.
Được hòa mình giữa bức tranh thiên nhiên bao la, rộng lớn, các thành viên trong đoàn như không muốn cất bước rời xa. Thế nhưng, theo lịch trình chúng tôi phải về với bản làng, về với nhà Gươl, làng dệt thổ cẩm Za Ra...
Đến nhà Gươl, đến bản làng Za Ra bắt gặp những phụ nữ Cơ Tu đang dệt thổ cẩm, đôi bàn tay thoăn thoắt bên tấm lụa rực rỡ sắc màu khiến chúng tôi cảm thấy khá thích thú.
“Làng dệt thổ cẩm Za Ra hình thành từ năm 2001, với sứ mạnh khôi phục lại nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu. Năm 2008, dưới sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ dệt thổ cẩm truyền thống đồng bào Cơ Tu, chị em phụ nữ Cơ Tu Được xây dựng năng lực không chỉ về kỷ thuật sản xuất mà còn cả kỹ năng vận hành, quản lý nhóm...
Và đến năm 2012, đã đánh dấu bước tiến quan trọng khi làng dệt thổ cẩm Za Ra trở thành Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu - Za Ra, Hợp tác xã đầu tiên của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam. Các sản phẩm của nhóm đã thu hút rất nhiều khách hàng nhờ màu sắc bắt mắt, kỹ thuật dệt cườm độc đáo và trên hết là chất lượng của các sản phẩm dệt bằng tay. Nhờ đó các sản phẩm của nhóm được bán không chỉ ở Đà Nẵng, Hội An mà còn mở rộng ra thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí là cả nước ngoài”. Chị A Rất Nội- trưởng nhóm dệt thổ cẩm Cơ Tu - Za Ra giới thiệu một cách rạch ròi cho đoàn chúng tôi nghe.
Sau khi tham quan làng dệt thổ cẩm, đoàn chúng tôi được thiết đãi bữa trưa tại nhà Gươl, thuộc cộng đồng Pla. Một bữa trưa thịnh soạn với những món ăn gần gũi, mang đậm hương vị miền núi, gồm cơm lam, bánh sừng trâu, cá lốc nướng,… một nữa hành trình của chúng tôincũng kết thúc tại đây.
Qua huyện Đông Giang khi nắng chiều vẫn còn gắt, đoàn chúng tôi tiếp tục vượt khoảng 40 km đường núi, để khảo sát các điểm du lịch cộng đồng nơi đây. Đông Giang hiện ra trước mắt chúng tôi chẳng khác nào một Sapa thứ 2 của vùng núi Bắc Bộ.
Những ngọn núi cao vút, những cung đường dóc quanh co, uốn lượn như muốn thử thách các tay lái. Có lẽ cũng vì thế mà du lịch phượt ở đây khá phát triển. Dọc đoạn đường qua Đông Giang, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những chiếc mô tô của khách du lịch, đa số là người nước ngoài đang hướng về các điểm du lịch cộng đồng.
Đến Đông Giang không ghé thăm làng du lịch cộng đồng Đh Rôồng sẽ không cảm nhận được sự thú vị. Tại đây có Nhà sản xuất và trưng bay dệt thổ cẩm Đh Rôồng, gồm những sản phẩm thổ cẩm kết hợp giữa hai chất liệu, thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu cùng chất liệu vải châu Âu.
Thích thú với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu, song điểm đến cuối cùng trong chuyến đi, làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng mới thật sự để lại cho đoàn nhiều ấn tượng. Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng có nhà Gươl, đặc biệt là các Mol (phòng ở phục vụ khách du lịch), được xây dựng theo khang trang, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của mái nhà Rông (Tây Nguyên). Bên trong, nội thất, giường ngủ hiện đại, là nơi nghỉ ngơi lí tưởng sau một ngày miệt mài tham quan.
Và khi màn đêm buông xuống, trước sân nhà Gươl Bhơ Hôồng, đoàn được sinh hoạt lửa trại, được giao lưu cùng đồng bào Cơ Tu trong điệu múa Tung Tung Za Zá. Cả đoàn và khách tham quan đắm say theo điệu múa, theo tiếng chiêng, tiếng trống của đồng bào Cơ Tu...
Được chứng kiến một miền Tây Quảng Nam đầy trầm tích văn hóa, nhìn những ánh mắt đầy hy vọng và háo hức của đồng bào, nằm chông chênh ngắm trăng sáng cả núi rừng Đông Giang, cầu mong sao cho du lịch cộng đồng của các huyện miền núi Quảng Nam được đánh thức, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào địa phương.
Thethaovanhoa.vn trân trọng giới thiệu chùm ảnh một chuyến theo chân đoàn khảo sát đến Nam Giang và Đông Giang - Quảng Nam.
Đăng Khoa