Quảng bá Việt Nam trên phim Hollywood nhìn từ phim PAN: Vuột mất một cơ hội!
(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà du lịch than thở Việt Nam đã mất cơ hội quảng bá đất nước khi Warner Brothers Feature Film vào Việt Nam quay phim PAN tại Hang Én (Quảng Bình). Lỡ thì cũng lỡ rồi nhưng muốn quảng bá cũng phải có cách chứ không phải cứ muốn là được.
PAN (tựa Việt: PAN và vùng đất Neverland) do hãng phim Mỹ Warner Brothers Feature Film (Warner Bros) sản xuất. Đây là câu chuyện "cải biên" mới về nhân vật Peter Pan. Trong phim, Pan bị mẹ bỏ rơi từ bé phải sống trong cô nhi viện. Cho tới một ngày cậu bị bọn cướp biển bắt cóc tới Neverland. Tại đây Pan đã tìm ra thân thế của mình và phải chiến đấu tới cùng để bảo vệ những gì mình tin tưởng, yêu quý. Bộ phim có lấy bối cảnh tại Hang Én (Quảng Bình) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Ninh Bình của Việt Nam nên rất được truyền thông Việt Nam chú ý.
Cơ hội bị bỏ lỡ
Từ đầu tháng 5/2015, truyền thông Việt Nam đã đưa tin rầm rộ Warner Bros đến Việt Nam quay phim PAN tại Sơn Đoòng (Quảng Bình). Vừa qua, khi bộ phim phát hành toàn thế giới và ra mắt tại Việt Nam vào ngày 9/10/2015, đơn vị phát hành lại tiếp tục đợt truyền thông mới. Các địa điểm Hang Én (Quảng Bình) và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Ninh Bình lại xuất hiện trong những thông tin truyền thông cho bộ phim tại thị trường Việt Nam.
Lúc này, nhiều người tự đặt câu hỏi, vì sao nước ngoài quay phim tại danh lam thắng cảnh nước ta, mà ta lại bỏ mất cơ hội để quảng bá Việt Nam ra toàn thế giới? Có ý kiến cho rằng Warner Bros chỉ xin phép quay hình tư liệu chứ không quay phim điện ảnh, nên cơ quan quản lý của Việt Nam đã không yêu cầu ràng buộc cần đưa các địa điểm Hang Én, Vịnh Hạ Long vào thông tin quảng bá của bộ phim.
Điều này không chính xác vì thông tin Warner Bros được cấp phép vào Việt Nam khảo sát và tìm địa điểm quay phim PAN đã được công bố trên webstie của Bộ VH,TT&DL, theo Quyết định số 1231/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 22/4/2014.
Theo Quyết định này, Bộ VH,TT&DL đã giao cho Cục Hợp tác quốc tế trách nhiệm đón và quản lý đoàn thuộc hãng phim nói trên tại Việt Nam. Thời gian từ 1/5 đến 31/5/2014, địa điểm tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Cạn, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình. Kinh phí do hãng phim này chịu. Mọi vật liệu ghi hình, ghi tiếng và sản phẩm của phim chỉ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi các cơ quan chức năng cấp phép.
Cần phải chủ động
Về việc yêu cầu Hollywood nhắc đến Việt Nam trong kế hoạch quảng bá phim của họ thì phải căn cứ bằng thỏa thuận chứ không phải muốn là được.
Một chuyên gia về bản quyền điện ảnh cho Thể thao & Văn hóa biết: “Các hãng phim lớn không dại gì xin phép một đằng làm một nẻo. Họ đi đâu cũng có luật sư theo cùng để thương thảo. Nếu đồng ý thì họ làm, còn không thì họ sẽ tìm bối cảnh ở nước khác. Cho dù họ được cấp phép ghi hình ở Việt Nam, nhưng một khi Việt Nam muốn quảng bá hình ảnh của đất nước mình trong phim của họ, thì phải thỏa thuận. Ví dụ khi Hollywood quay phim The Lord Of The Ringtại New Zealand thì Chính phủ nước này cũng sẽ phải có kế hoạch và thương thảo với Hollywood”.
Những năm trở lại đây, vấn đề quảng bá du lịch thông qua điện ảnh được chú trọng hơn. Ngành điện ảnh cũng đã tổ chức một vài hội thảo, nhưng cũng mới chỉ là xới lên vấn đề. Không khó hiểu khi dư luận bày tỏ sự tiếc nuối với cơ hội quảng bá cho du lịch qua phim PAN. Vì lâu nay, Việt Nam chưa thực sự coi đây là cơ hội, thậm chí đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cho đến bây giờ những người làm điện ảnh vẫn còn tiếc vì Việt Nam đã từ chối nhà sản xuất phim về Điệp viên 007, chỉ vì lý do kịch bản họ đề xuất có cảnh Vịnh Hạ Long nổ tung (tất nhiên chỉ là bằng kỹ xảo).
Để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, thì Việt Nam cần có những chính sách rõ ràng, minh bạch, với quy trình, thủ tục thuận tiện. Bản thân cơ quan quản lý Việt Nam cũng cần cởi mở hơn, và thực sự coi đây là một cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam, thay vì chỉ đơn thuần là cấp phép cho đúng thủ tục, quy trình.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa