Quận Hà Đông xác minh thông tin 'giữa Thủ đô phải ăn rau dại'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/8, UBND quận Hà Đông đã có thông báo chính thức liên quan đến thông tin dư luận, báo chí nêu ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, có tình trạng “Lao động nghèo trong đại dịch giữa Thủ đô hái rau dại để ăn, 8 người ngày chia nhau 4 suất cơm”.
Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vấn đề, để nếu có tình trạng nêu trên sẽ kịp thời chấn chỉnh, khắc phục. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của Công an, những thông tin nêu là không chính xác.
Theo báo cáo của UBND phường Dương Nội, phường đã tập trung xác minh theo thông tin báo chí phản ánh với nội dung là "bà Trần Thị Táo ở phường Dương Nội bị mắc kẹt tại dự án không thể về quê, không dám đi chợ La Dương do có 3 ca F0, không được phát phiếu mua lương thực, thực phẩm và phải ăn rau dại do quá khó khăn".
UBND phường xác minh, bà Táo tên đầy đủ là Trần Thị Táo, sinh ngày 30/7/1965, có hộ khẩu thường trú tại phường Dương Nội. Bà Táo có 2 căn nhà (một căn nhà 2 tầng, một căn nhà 3 tầng) đều tại tổ dân phố Kiên Quyết, phường Dương Nội, điều kiện gia đình ở mức trung bình, không phải diện khó khăn của phường.
Bà Trần Thị Táo phản ánh bị mắc kẹt không về được quê là không đúng thực tế vì từ khu vực dự án tại đường Lê Trọng Tấn bà làm bảo vệ tới nhà tại tổ dân phố Kiên Quyết chưa đến 1km, đi lại rất thuận tiện. Bên cạnh đó, việc bà phản ánh không được phát phiếu mua lương thực, thực phẩm, khó khăn không có gì để ăn và phải hái rau dại cũng không chính xác. Qua xác minh, Tổ trưởng Tổ dân phố Kiên Quyết đã gửi gia đình bà Táo 5 phiếu đi mua lương thực, thực phẩm, do con bà Táo nhận hộ.
Theo biên bản làm việc, bà Trần Thị Táo cho biết, hôm có phóng viên đến ghi hình đúng ngày bà ngại đi ra chợ vì sợ dịch nên hái rau dại ăn tạm (thực tế rau này dễ ăn, bản thân bà đã ăn nhiều lần, kể cả lúc không có dịch và cũng có nhiều người hái ăn); hoàn cảnh gia đình bà cũng không khó khăn đến mức phải chịu đói khổ, trong thời điểm này cũng chưa cần đến sự hỗ trợ của các ban, ngành.
Trước đó, bà Táo cũng được Công ty Song Phương là đơn vị thuê bà làm bảo vệ có hỗ trợ gạo và trứng. Còn việc bà Táo đưa thông tin tại La Dương có 3 ca F0 cũng không đúng, vì hiện nay tại La Dương chưa có ca F0 nào (La Dương trước đây là một làng, hiện nay có 4 tổ dân phố thuộc Dương Nội).
Trong giai đoạn thành phố giãn cách do dịch bệnh COVID-19, bà Trần Thị Táo đã tự nguyện xin ở lại Công ty Song Phương trông coi công trường thi công đang phải tạm dừng hoạt động. Vì vậy, cũng không có việc Công ty thuê bà Táo làm bảo vệ mà không trả lương như dư luận phản ánh.
- Cảnh báo việc lừa tiền cứu trợ Covid-19 trên trang thông tin giả mạo Bộ Y tế
- Ban Cứu trợ Trung ương phân bổ 45 tỷ đồng hỗ trợ 11 tỉnh miền Trung,Tây Nguyên
Đối với các nhóm công nhân xây dựng dự án khu đô thị Lê Trọng Tấn bị mắc kẹt do dịch và khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, qua xác minh, việc công nhân bị mắc kẹt do dịch COVID-19 không thể về quê, chủ đầu tư, nhà thầu thuộc dự án Lê Trọng Tấn đã cam kết thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Phía chủ đầu tư và nhà thầu đã chủ động hỗ trợ mỗi công nhân 50.000 đồng/người/ngày với tổng số 427 công nhân, duy trì liên tục từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội cho tới khi kết thúc giãn cách xã hội. Đồng thời, UBND phường đã phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng gặp gỡ, động viên kịp thời, chia sẻ khó khăn và tặng lương thực (gạo, trứng) cho toàn bộ công nhân dự án này. Thực tế số công nhân này vẫn bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt, không khó khăn đứt bữa như nội dung báo chí phản ánh.
UBND quận Hà Đông cho biết thêm: Việc chăm lo, hỗ trợ tới các nhóm công nhân, người lao động thuê trọ, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn quận nói chung và phường Dương Nội nói riêng, đang được quận triển khai liên tục, với phương châm không để ai thiếu đói.
Riêng phường Dương Nội đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ 12 trường hợp người lao động tự do bị mất việc thuộc khu vực cách ly với tổng số tiền 18 triệu đồng; tiếp nhận hồ sơ xét duyệt cho 8 trường hợp F1, 31 trường hợp người lao động không có giao kết hợp đồng lao động để hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Quận Hà Đông cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí cho 218 trường hợp chính sách, 473 trường hợp bảo trợ xã hội với tổng số tiền 691 triệu đồng, thực hiện chi trả xong trước ngày 20/8/2021. Quận đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động gặp khó khăn và tổ chức chi trả kịp thời cho người lao động. Đồng thời, quận sẽ xử lý nghiêm nếu nơi nào gây phiền hà, nhũng nhiễu, thiếu công bằng trong giải quyết thủ tục hỗ trợ người dân.
Tuyết Mai (TTXVN)