Quà Tết - cho & nhận
(Thethaovanhoa.vn) - Thường thì, ai cũng thích được nhận quà. Có người còn triết lý, một trong khoảng thời gian hồi hộp nhất trong cuộc đời mỗi người, đó là giây phút... bóc gói quà ra.
Nhưng hành vi gói quà cũng mang lại hạnh phúc không kém. Không phải ngẫu nhiên mà, người Nhật đã nâng việc gói quà lên thành một nghệ thuật: Furoshiki - mà ở đó mỗi họa tiết trên tấm giấy gói đều có một ý nghĩa riêng thể hiện sự mong ước về một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Người bóc quà sẽ nhận được những lời chúc ấy trước khi chạm tới “nhân tố bí ẩn” nằm sau lớp giấy gói.Bởi thế, món quà luôn gồm 2 phần. Phần thứ nhất là những hiện vật cụ thể có thể quy thành các giá trị vật chất hoặc tinh thần; phần thứ 2 là những thông điệp tinh thần của người tặng quà gửi gắm vào mối quan hệ giữa mình với người nhận quà. Nói cách khác, gói quà tuy nhỏ bé nhưng chúng hàm chứa toàn bộ các quan hệ lằng nhằng, phức tạp của xã hội rộng lớn bên ngoài.
Các mối quan hệ xã hội như thế nào thì mối quan hệ “quà cáp” sẽ là như thế. Nếu mối quan hệ ngoài đời là ơn nghĩa, thì quà cáp sẽ là tri ân, nếu mối quan hệ là từ thiện thì quà cáp sẽ là chia sẻ, động viên, nếu mối quan hệ là “xin” – “cho” thì quà cáp sẽ là cống nạp, nếu mối quan hệ là mua - bán thì quà cáp sẽ đổi chác.
Cho nên mặc dù tâm lý chung, đã là con người, ai cũng thích được nhận quà, nhưng có những thứ quà mà nhìn qua người ta đã biết ngay là không nên, không thể hay không dám nhận. Vì người ta sợ những quan hệ đổi chác ẩn chứa trong đó.
Ở chiều ngược lại, mặc dù Furoshiki là nghệ thuật gói quà mang lại nhiều hạnh phúc cho người gói, nhưng không phải ai cũng gói quà trong tâm lý vui vẻ, thoải mái. Nói thẳng ra, rất nhiều người phải tặng quà vì... sợ.
Tết đến, cả xã hội ùn ùn chuẩn bị quà cáp cho các mối quan hệ khác nhau và với những tâm trạng khác nhau.
Năm nay, tân Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã “nổ phát súng đầu tiên” vào chuyện quà cáp biếu xén trong dịp Tết Nguyên Đán. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Chung đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành yêu cầu “thực hiện nghiêm chỉ đạo của trung ương và thành phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Văn bản nêu rõ “Hà Nội nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho cấp trên”.
Đây không phải lần đầu tiên, vấn đề chống tiêu cực, lãng phí trong các dịp lễ Tết được đề cập đến bằng các văn bản cụ thể, trong đó, nêu đích danh một một hành vi mà ai cũng hiểu là có tiêu cực ở bên trong – đó là biếu xén quà Tết giữa cấp trên và cấp dưới. Hầu như năm nào từ Trung ương, địa phương tới các ban ngành cũng có các văn bản, chỉ thị tương tự.
Công khai cấm tặng quà Tết cho cấp trên là một động thái quyết liệt và tích cực nhằm ngăn chặn những biến tướng của mối quan hệ quà cáp, khi cấp dưới, lợi dụng dịp lễ Tết để toan tính những món quà mang tính xin xỏ, đổi chác với cấp trên. Tất nhiên, kể các món quà mang tính “tri ân” cấp trên cũng bị nghiêm cấm. Đó là điều rất cần thiết để chống hối lộ và lãng phí.
Tuy nhiên, quan hệ quà cáp không đến từ một phía – người tặng. Nghiêm cấm cấp dưới tặng quà cấp trên thì cũng cần phải nghiêm cấm cấp trên nhận quà của cấp dưới dưới mọi hình thức. Quan hệ quà cáp không thể hình thành nếu không có phía người nhận.
Mà nói chung, cấp dưới cũng ít có nhu cầu “tri ân” cấp trên bằng những món quà mang tính hối lộ, nếu quả thực cấp trên kiên quyết không nhận, hoặc không để cho những món quà đó làm thay đổi quan hệ của mình với cấp dưới.
Nếu coi quà Tết giữa cấp trên và cấp dưới hoặc giữa những người có quan hệ phụ thuộc nhau trong bộ máy công quyền là một hình thức đưa và nhận hối lộ, thì thậm chí phải đánh mạnh hơn nữa vào hành vi “nhận quà” tức “nhận hối lộ”. Bởi lẽ, quà Tết có thể biến thành luật lệ “cống nạp” bất thành văn, mà cấp dưới không dám phá lệ, đành phải tuân theo, dẫn tới việc phải đưa hối lộ bất đắc dĩ.
Nếu cấp trên là Bụt thì cấp dưới cùng lắm chỉ lễ hương hoa trà quả.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa