Quà gì cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?
(Thethaovanhoa.vn) - Như đã thành thông lệ, cứ đến dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là cả học sinh lẫn phụ huynh đều “sốt” với câu hỏi: nên tặng quà gì cho các thầy các cô để bày tỏ lòng biết ơn và tinh thần tôn sư trọng đạo?
Năm nay, cộng đồng lại đang bàn luận sôi nổi về chia sẻ của thầy Hiệu trưởng trường PTTH Anhxtanh – Hà nội. Thầy nói: “Đừng tặng hoa, đừng tặng quà mà hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì nhân ngày 20/11”.
Nghe thì sốc. Nhưng hóa ra, như chia sẻ, nhà trường sẽ dùng toàn bộ số tiền được tặng để mua chăn gửi cho các học sinh trường tiểu học ở xã Pù Nhi – Mường Lát – Thanh Hóa.
Dù ý tưởng này rất tốt và nhân văn, vẫn có những phụ huynh chưa hài lòng. Họ cho rằng cách nói của thầy hiệu trưởng dễ gây hiểu lầm khi đề cập tới một vấn đề nhạy cảm: “phong bì” trong ngày Nhà giáo.
Ngẫm lại, thời còn cắp sách đến trường, món quà khi đó chúng tôi chọn lựa dành tặng các thầy cô dịp 20/11 thường chỉ quẩn quanh một vài kiểu bưu thiếp, một cuốn sổ tay cá nhân, hoặc là mấy bông hoa bó đơn giản đính kèm thiệp ghi vài dòng chữ chúc mừng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo. Nếu muốn tặng thầy cô những thứ khác như cây bút viết đẹp, cái áo hoặc mảnh vải thì chúng tôi thường phải nhờ tới cả các bác hội phụ huynh học sinh của lớp, vì giá trị lúc bấy giờ của món quà này rất lớn. Mấy ông anh lớn tuổi hơn thì rất thực tế, mang luôn đồ nghề mộc đến sửa giúp cô cái bàn học, giá sách cũ và mấy cái ghế con để khách đến chơi ngồi.
Có một năm cuối cấp 2, cô bạn cùng lớp rủ các bạn gái khéo tay tiết kiệm tiền mua len về đan tặng cô chiếc khăn quàng cổ mùa đông. Vì số tiền không nhiều cho nên phải kêu gọi bạn nào nhà có len dù ít hay nhiều ủng hộ để đan. Kết quả là một chiếc khăn nhiều màu sắc pha trộn - nhưng đạt yêu cầu về chiều dài và độ dày – đã được gửi tới cô chủ nhiệm đúng ngày Nhà giáo. Không thể tả được niềm vui của chúng tôi cũng như sự xúc động của cô lúc bấy giờ.
***
Rồi theo sự phát triển của xã hội, cuộc sống của nhiều gia đình cũng khấm khá hơn. Những món quà dành tặng thầy cô trong ngày Nhà giáo Việt nam cũng thay đổi theo nhiều quan điểm khác nhau, điều kiện kinh tế khác nhau và vùng miền khác nhau. Không chỉ đơn thuần là những bó hoa, cuốn sổ hay tấm bưu thiếp nữa, món quà trong ngày này có thể kèm theo những phong bì, những vật dụng có giá trị cao.
Học sinh cũng thay đổi cách tri ân, dù biết ơn các thày cô nhưng chia ra đi theo từng nhóm có cùng “gu” hoặc cùng kinh tế với nhau. Rồi, ngoài học sinh, có những ban phụ huynh lại tổ chức quyên góp dưới nhiều hình thức khác nhau để mua tặng các thày các cô những món quà giá trị.
Suy xét dưới nhiều góc độ, mỗi người đều có những cái lý riêng của mình. Và nói công bằng, cách thức bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng trong ngày 20/11 nhiều khi cũng bị lạm dụng về hình thức. Chẳng hạn, năm nào cũng vậy, bạn bè tôi là giáo viên cũng đều than thở về việc tràn ngập.. hoa trong ngày Nhà giáo Việt Nam một cách rất lãng phí.
Bởi thế, việc tặng những món quà về vật chất, thậm chí là những chiếc phong bì, cho thầy cô giáo chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Đó là một câu chuyện khó phân đúng sai, mà tùy thuộc vào nhận thức và ứng xử của mỗi người.
Dù vậy, vẫn cần khẳng định: việc tặng phong bì, tặng hoa hay quà cho thầy cô giáo cũng chỉ có ý nghĩa khi nó gắn với sự trân trọng và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” – thay vì cách làm “khoán” như một món nợ cần phải trả.
Và cuối cùng, dù ở thời đại nào, điều làm các thầy cô cảm thấy tự hào và hạnh phúc trong ngày nhà giáo vẫn là việc nhìn thấy sự trưởng thành của các em học sinh cũ, đang có những đóng góp tích cực cho xã hội.Món quà ấy chính là cách để học sinh “nâng tầm” những người đã dạy dỗ, giáo dục mình trên ghế nhà trường.
Tôi nghĩ như vậy.
Đào Quốc Thắng