Premier League sốt chuyện cầu thủ đồng tính
(Thethaovanhoa.vn) - 10 ngày trước, báo chí Anh nhất loạt đưa tin, từ giờ tới cuối mùa giải, sẽ có hai cầu thủ đang chơi ở Premier League công khai giới tính thật. Tiết lộ trên khơi gợi sự tò mò nơi dư luận. Một chiến dịch “truy tìm” cầu thủ gay diễn ra.
Dạo qua các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook hay Instagram dễ dàng thấy điều này. Người hâm mộ túc cầu râm ran với chủ đề ai là hai cầu thủ đang ẩn danh chờ “giờ G”. Fan cũng đoán tới đoán lui danh tính của họ dựa vào việc phân tích các yếu tố để phân biệt người đồng giới.
Truy tìm danh tính
Trong tiết lộ của báo chí nói rõ một trong hai cầu thủ hiện đang thi đấu trong màu áo tuyển Anh. Ngay lập tức, các tuyển thủ của “Tam sư” bị lọt vào tầm ngắm. Bị nghi ngờ nhiều nhất chính là ngôi sao Man United, Luke Shaw. Với khuôn mặt dễ thương, làn da trắng và tính cách hiền lành, Shaw bị cho là nhân tố “khả nghi” nhất.
Khi giả thuyết này được đưa ra trên Twitter, nó nhận được sự ủng hộ của hàng trăm nghìn người sử dụng. Twitter của hội CĐV Man United cũng bàn luận chuyện này và khẳng định sẽ “ủng hộ Shaw” vì anh là người của “Quỷ đỏ”. Từ một chuyện tưởng như đùa, mọi thứ trở nên nghiêm túc đến như thật. Nó khiến chủ nhân của tin đồn là Shaw phải lên tiếng phản bác.
“Đó không phải là tôi. Vì thế mọi người hãy im miệng lại đi”, Shaw viết trên trang cá nhân với giọng điệu bực tức.
Sự tò mò quá mức của dư luận làm dấy lên một nỗi lo. Liệu nó có tạo nên hệ lụy xấu một khi cầu thủ công khai giới tính thật. Liệu có xảy ra một bi kịch Justin Fashanu mới trong bóng đá hiện đại?
Nhân trường hợp Tom Daley
Fashanu được xác định là cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên công khai giới tính thật của mình. Từ một ngôi sao được yêu mến, anh bị ghẻ lạnh, kỳ thị. Trong một thế giới “không đàn bà”, việc một cầu thủ không phải là đàn ông thực thụ bị coi là sự “kinh tởm”, không đáng để tồn tại.
Áp lực quá lớn từ dư luận đã đẩy Fashanu tìm đến cái chết vào năm 1998. Bi kịch của cựu cầu thủ Norwich khiến không đồng nghiệp nào thuộc giới tính thứ 3 từ đó tới nay dám bước ra ánh sáng khi còn thi đấu. 17 năm trôi qua, liệu đã có sự biến đổi trong cách nhìn nhận vấn đề?
Tờ The Telegraph đã mở một cuộc bàn luận về vấn đề này. Đa số các chuyên gia được mời đến đều đồng tình đây đã là thời điểm thích hợp. “Sự kỳ thị đang dần biến mất, công chúng đã có cách nhìn nhận thoáng hơn”, một bạn đọc chia sẻ trên trang standard.co.uk. Chuyển biến tích cực này là nhờ trường hợp của Tom Daley.
Thần đồng nhảy cầu của Anh dám thẳng thắn thừa nhận mình là gay không lâu sau kỳ Olympic gây tiếng vang. Daley nhận được sự ủng hộ của gia đình, của bạn bè và dư luận. Nhờ thế, chuyện tình của anh với nhà biên kịch người Mỹ hơn 20 tuổi Dustin Lance Black diễn ra êm ấm. Hôm 4/10, họ tuyên bố đã chính thức đính hôn, chỉ chờ ngày tổ chức lễ cưới.
Báo chí Anh cho biết, giống như Daley, hai cầu thủ sắp công khai giới tính nhận được sự ủng hộ của gia đình, CLB. Từ Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cũng phát đi thông điệp bày tỏ sự đồng tình. Với sự hậu thuẫn lớn như vậy, họ được tin là sẽ mở ra một điều chưa từng có tiền lệ trong bóng đá.
Bóng đá là môn thể thao không biên giới, bởi thế không nên mang trong mình rào cản cuối cùng: kỳ thị giới tính.
Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa