'Phượt thủ' bịa chuyện 17 tiếng đi từ Nam ra Bắc: Điên rồ hay hời hợt?
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết: ngày 24/12, các cơ quan thuộc đơn vị này vừa ra quyết định xử phạt gần một triệu đồng với Đ.N – “phượt thủ” đang gây bất bình trong dư luận.
Gần một tuần trước, trên mạng xã hội, Đ.N đã hào hứng khoe “chiến tích” đặc biệt của mình: vượt 1700 km từ TP.HCM ra Hà Nội bằng xe máy trong hơn 19 giờ, nghĩa là với tốc độ trung bình mỗi giờ khoảng 87 km.
Sau “chiến tích” ấy, các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc để xác định vụ việc. Và, dù câu chuyện được xác minh là... nói quá sự thực, Đ.N vẫn bị phạt bởi một số lỗi, trong đó có việc điều khiển xe quá tốc độ quy định, như anh ta thừa nhận.
Dễ hiểu, khi dư luận lẫn các cơ quan chức năng lại bức xúc trước thông tin về một chuyến đi bất chấp mọi giới hạn về an toàn như vậy. Nhưng, đây không phải là lần đầu tiên, người ta nghe tới những thành tích gắn với “phượt thủ” theo kiểu ấy.
8 năm trước, giới phượt tại TP.HCM từng truyền miệng về hành trình đặc biệt của một tài xế tên H. Đúng vào Giao thừa 2011, phượt thủ này bắt đầu phóng ra Hà Nội một mình bằng xe máy, với hành lý là ít đồ dùng cá nhân và một bình sữa được thiết kế đặc biệt có ống hút nối lên tận quai mũ bảo hiểm. H chạy xe liên tục không nghỉ, chỉ thỉnh thoảng dừng để vệ sinh cá nhân và... hút sữa, để rồi kịp “check in” ở Hà Nội vào rạng mùng 2 Tết, sau khoảng 30 tiếng đồng hồ.
Rồi, khoảng một năm trước, sau lời khoe về hành trình từ Trảng Bom tới Đà Lạt (khoảng 240 km) trong 3 tiếng đồng hồ của một cặp nam nữ, cộng đồng mạng lại được dịp tá hỏa trước một vụ cá cược đặc biệt, khi cặp đôi này nhận lời cá độ của một phượt thủ khác - vốn không tin vào “thành tích” trên - để lặp lại chuyến đi. Tuy nhiên, do quá ầm ĩ và gây tai tiếng, những người trong cuộc sau đó đều ỉm đi kết quả của vụ cá cược này.
Chỉ cần tìm kiếm trên mạng Internet, người ta không khó để biết về hàng chục vụ tai nạn bi thảm mà các “phượt thủ” gây ra trong những năm qua. Và, đại đa số các bi kịch đều gắn với một lý do: chạy quá nhanh trên đường.
***
Nhìn lại những câu chuyện vừa kể, nhiều người sẽ giải thích ngắn gọn: đó là sự điên rồ của tuổi trẻ. Lời giải thích ấy đúng, nhưng chưa đủ.
Rộ lên từ đầu những năm 2000, trào lưu phượt (du lịch bụi, chủ yếu bằng xe máy) được khởi xướng bởi những người ưa khám phá, với một cái đích khá ngắn gọn: đi để ngắm Việt Nam và thu nạp kiến thứccho mình.
Như thế, tôn chỉ của sở thích ấy làtrải nghiệm và đam mê, để mỗi người có thể bỏ thời gian nhằm tìm hiểu từng con đường mòn, từng phong tục tập quán của địa phương, từng món ăn và trang phục truyền thống - thậm chí là cách chế biến, xuất xứ, ý nghĩa của các món ăn hay bộ trang phục đó.Nó không dành cho những người chỉ muốn đi càng xa, càng nhanh và… càng nhiều.
Để rồi, theo thời gian, khi mạng Internet phát triển, chút gai góc, từng trải mà khái niệm “phượt thủ” mang lại đã trở thành một hấp lực lớn với rất nhiều bạn trẻ. Và, họ mải mê tô vẽ bản thân để khoác lên mình 2 chữ ấy.
Có nghĩa, cũng giống như nhiều câu chuyện khác của xã hội hiện đại, từ một trào lưu phổ biến, việc “đi phượt” chỉ còn là cái neo, để nhiều ngườiphủ lên đó sự hiếu thắng, phù phiếm và xu hướng “sống ảo” của mình- khi họ quên đi rằng: trong cuộc sống, hành trang cần mang theo không chỉ là tiền hay sức khỏe mà còn là khối óc, sự văn minh và cả chút nhạy cảm để có thể nắm bắt, tiếp nhận mọi giá trị đang diễn ra xung quanh.
Chúng ta đừng chỉ nói về sự điên rồ, mà quên đi câu chuyện về sự hời hợt - khi một sốngười trẻ chỉ biết cắm đầu về phía trước mà không hề nhận ra bản thânđã bỏ qua rất nhiều giá trị khác của cuộc đời.
Anh Bảo