Phượng Hoàng Cổ Trấn yên bình trong bóng thời gian u tịch
(Thethaovanhoa.vn) - Phượng Hoàng Cổ Trấn nên thơ hùng vĩ, thấm nhuần văn hóa nghìn năm cổ kính tựa như điểm hội tụ giữa hiện thực và quá khứ xa xôi.
- Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn, những ngày mênh mang nhớ...
- Kinh nghiệm du lịch – phượt Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn cực kỳ hữu ích
Phượng Hoàng Cổ Trấn là một thị trấn du lịch nhỏ nằm ven bờ Đà Giang, phía Tây tỉnh Hồ Nam. Từ Hà Nội, du khách có thể mua vé tàu đến Nam Ninh, rồi đi xe bus hoặc thuê xe riêng đến Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Một sớm thức dậy trong sự bình yên của Phượng Hoàng Cổ Trấn, lại tưởng như thức dậy trong quá khứ tịch mịch chỉ còn là vang bóng. Đến Phượng Hoàng Cổ Trấn là lạc vào quá khứ xa xôi trong dòng lịch sử chảy trôi miên viễn, với những nếp nhà cổ san sát nép mình e lệ bên dòng sông xanh biếc, những cây cầu thanh tú bắc ngang sông cùng những dãy phố dài trầm mặc. Đôi lúc, người ta còn thấy được thấp thoáng một con thuyền nhẹ nhàng trôi trên dòng sông tịch mịch, gợn những đợt sóng êm dịu ngàn năm.
Vào mùa xuân, nét đỏ thắm của đèn lồng ngày lễ hội làm sáng bừng vẻ cổ kính và náo nhiệt của Phượng Hoàng Cổ Trấn soi mình trong dòng thời gian bất tận. Ánh trăng tròn vành vạnh lấp loáng dưới bóng nước mơ hồ, tựa như ta còn có thể nghe điệu ngâm thơ Lý Bạch. Những gánh hoa quả nặng trĩu cùng giọng rao trong trẻo của người đàn ông gầy gò như từ ký ức vọng về.
Những ngày hè, hoàng hôn đem Phượng Hoàng Cổ Trấn nhuộm thành màu u tịch và xa xăm, sương chiều bảng lảng vấn vít những nếp nhà sàn sát, bóng chiều trầm mặc theo con sóng Đà Giang lan xa, lan xa… Đâu đó tựa như còn vương mùi khói bếp cay nồng.
Mùa thu nhuộm vàng Phượng Hoàng Cổ Trấn trong u tịch và mênh mang, những con đường đá loang loáng bóng nắng, buồn mênh mang. Gánh hàng lưu niệm của người đàn bà bản xứ chông chênh, tiếng sóng vỗ nhẹ hòa trong tiếng chày giặt đồ vang vang ven bờ Đà Giang đẹp đến nao lòng.
Ngày mùa đông, những mái thuyền cong cong run rẩy trong cơn gió se se lạnh, dãy phố cổ xưa rùng mình trong đợt sương buốt tái tê. Bóng chiều chỉ còn hiu hắt, Đà Giang trôi trong lạnh ngắt, miên man… Dòng người yên bình qua lại trên những con đường đá rêu phong, cây cầu vẫn soi mình trong tịch mịch. Những lớp áo bông rực rỡ, những làn váy dài đủ sắc màu vừa khéo xua đi chút cô tịch, trầm ngâm.
Phượng Hoàng Cổ Trấn mùa nào cũng đẹp, vẻ đẹp của ngàn năm đọng lại, vẻ đẹp của bề dày văn hóa xa xôi giao thoa với hiện đại tinh hoa, vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ giao thoa với bàn tay con người kỳ diệu. Ở đó, dãy hành lang đưa du khách ngắm phong cảnh kỳ vĩ, hoang sơ chạy vòng quanh dãy núi sâu thăm thẳm tựa đường lên trời. Ở đó, chiếc cầu kính lửng lơ mang con người đến gần hơn với đỉnh thế giới. Ở đó, hệ thống cáp treo vượt ba dãy núi cao vút, ngút ngàn… vận hành như một điều không tưởng.
Sự hội tụ ngàn năm văn hóa nơi đây còn ẩn mình trong nghệ thuật ẩm thực tinh tế: thưởng thức lẩu cá cay nồng vị ớt trong chiều se lạnh, mù sương; thử món mỳ cay gia truyền thơm ngọt nghi ngút khói, , ghé gánh hàng rong nhấm nháp hồ lô, cá viên, xiên nướng đậm đà nức mũi.
Không ống kính nào có thể ghi lại những điều ta thấy, không lời lẽ nào có thể miêu tả những gì ta trải nghiệm, đó có lẽ là cảm xúc chung của mọi du khách một chiều đặt chân đến Phượng Hoàng Trấn như họa, như thơ. Chỉ biết rằng, nhịp sống bình yên nơi đây ngàn năm nay vẫn thế…
Thùy Dung