Phóng viên F1: Đi làm chứ không phải đi xem!
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khoảng 20 năm trở lại đây, đã có nhiều sự kiện thể thao có quy mô châu lục hoặc khu vực được tổ chức ở Việt Nam, nhưng xét về tầm vóc và mức độ ảnh hưởng thì tất cả các sự kiện này đều không thể so sánh với giải đua xe Công thức 1 (Formula 1 - F1).
Phải tới tháng 4/2020 thì chặng đua đầu tiên của F1 Vietnam Grand Prix mới diễn ra ở Hà Nội, nhưng ngay từ thời điểm này, đơn vị tổ chức là Công ty Việt Nam Grand Prix (VPGC) đã phải tổ chức riêng một buổi hội thảo để giới thiệu các quy tắc tác nghiệp dành cho truyền thông tại giải F1.
Người được VPGC mời về làm diễn giả ở hội thảo này là Chris Medland, phóng viên được F1 cấp phép hoạt động trong lĩnh vực motorsport, phụ trách nội dung đua xe F1 của tạp chí Racer, và đã có gần chục năm kinh nghiệm tác nghiệp tại giải đua xe danh giá nhất nhì thế giới này.
Bắt đầu đưa tin về F1 từ năm 2008 và luôn luôn có mặt ở mọi chặng đua F1 từ năm 2014, theo chia sẻ của Medland, những phóng viên muốn tác nghiệp tại giải F1 sẽ phải chấp nhận tuân thủ bộ quy tắc ứng xử rất nghiêm khắc và chặt chẽ của BTC.
Sự chặt chẽ này bắt đầu ngay từ khâu đăng ký thẻ tác nghiệp, khi mỗi phóng viên muốn được cấp thẻ tác nghiệp tại một chặng đua của F1 đều phải có sự bảo lãnh của một đơn vị truyền thông nhất định, có thể là tờ báo hay đài truyền hình.
Điều đáng nói là ngay cả BTC chủ nhà chặng đua cũng không được phép cấp thẻ cho phóng viên tham dự sự kiện mà quyền này thuộc về Liên đoàn Ô tô Quốc tế (Fédération Internationale de l'Automobile hay FIA).
Để có thể nhận được thẻ tác nghiệp do FIA cấp phát, phóng viên đăng ký phải thoả mãn một số tiêu chí nhất định, chẳng hạn như số lượng phát hành (với báo giấy) hoặc số lượng độc giả (với báo điện tử)…, và FIA sẽ khoá sổ danh sách đăng ký vào thời điểm ít nhất là 1 tháng trước khi chặng đua diễn ra.
Yêu cầu bắt buộc với mọi phóng viên tham dự tác nghiệp tại các chặng đua F1 là bạn phải bảo đảm đưa tin đầy đủ về tất cả các sự kiện của chặng đua, bao gồm đua phân hạng, đua chính thức, và nếu bạn quá tập trung vào những chi tiết bên lề mà không dành thời lượng đưa tin cần thiết cho nội dung chuyên môn của cuộc đua thì FIA sẽ xem xét từ chối cấp thẻ tác nghiệp cho bạn ở chặng đua lần sau.
Cũng theo Medland, nếu cơ quan chủ quản của phóng viên không mua bản quyền phát sóng về sự kiện thì bạn sẽ không được phép ghi hình, ghi âm tại cuộc đua. Nói một cách khác, các phóng viên sẽ không được phép công bố bất cứ file âm thanh hay hình ảnh động nào từ đường đua nếu chưa mua quyền phát sóng từ FIA. Thậm chí việc đăng tải file âm thanh hay clip hình ảnh lên tài khoản cá nhân lên mạng xã hội cũng bị cấm ngặt, còn chuyện tiến hành phát sóng trực tiếp (livestream) từ đường đua đương nhiên là không được phép.
Tuy nhiên, với các khán giả thì họ có quyền chụp ảnh, quay phim hay livestream tùy thích, và FIA còn khuyến khích điều này để tăng độ phủ sóng cho F1. Theo giải thích của Medland thì sự khác biệt ở đây là khán giả bỏ tiền mua vé vào sân nên được phép chụp ảnh, quay phim hoặc livestream, còn phóng viên nếu vi phạm quy định của BTC thì sẽ bị thu thẻ tác nghiệp.
FIA cho phép phóng viên được đăng tải ảnh chụp ở đường đua F1 lên mạng xã hội, nhưng không cho phép đăng tải ảnh chụp vì mục đích thương mại.
Có nghĩa là phóng viên chỉ được phép đăng ảnh ở đường đua F1 lên ấn phẩm của cơ quan chủ quản theo như đăng ký thẻ tác nghiệp với FIA, còn việc chụp ảnh F1 để bán cho đơn vị báo chí khác là không được chấp nhận.
Đấy là lý do vì sao mà mỗi mẫu đơn đăng ký xin cấp thẻ tác nghiệp của phóng viên gửi tới FIA đều phải có xác nhận của cơ quan chủ quản, để bảo đảm sản phẩm của phóng viên vừa đáp ứng yêu cầu nội dung cũng như vừa nằm trong tầm kiểm soát của FIA.
Hoàng Linh