Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: Văn hoá kinh doanh là nền tảng cốt lõi trong phát triển doanh nghiệp
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động”.
Tại diễn đàn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, văn hoá doanh nghiệp có thể chiếm 20-30% hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, cần một tầm nhìn đa chiều, xác định mục tiêu với các giá trị là cốt lõi của doanh nghiệp; khuyến khích sáng tạo giá trị chung với con người là yếu tố quyết định; xây dựng môi trường làm việc mở và ứng dụng công nghệ thích nghi mọi hoàn cảnh để doanh nghiệp phát triển.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, doanh nghiệp phát triển thì đất nước sẽ phát triển, muốn đất nước thịnh vượng thì phải có lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, lớn mạnh và phát triển bền vững. Doanh nghiệp luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước.
- Doanh nghiệp thời COVID-19 đón nhận thời cơ trong nguy cơ
- Đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp và lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19
- Hà Nội kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch COVID-19
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tại nhiều nước trên thế giới và đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng. Ở Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động chưa từng có đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ, đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp và việc làm của hàng chục triệu người lao động, nhất là đối với ngành hàng không, du lịch, dịch vụ...
Từ góc độ văn hóa kinh doanh, đại dịch COVID-19 đã tác động đến tất cả các nhân tố thuộc về văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp như: Triết lý, đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử, văn hóa tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sáng tạo xã hội, tinh thần kinh doanh và xã hội, khởi nghiệp sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững...
Để góp phần giảm nhẹ tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế và đời sống người dân, thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.
Đáng chú ý là Kết luận số 77- KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về chủ trương khắc phục tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đoàn thể và cá nhân đã đồng hành cùng Chính phủ tìm cách tái thiết kinh tế đất nước trong bối cảnh “bình thường mới”; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, các giải pháp đặc thù từ góc độ văn hóa vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ: “Tôi đồng ý với nhận định mà nhiều diễn giả, đại diện cho các doanh nghiệp phát biểu, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, cùng với việc doanh nghiệp phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh; xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả; xây dựng thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và không ngừng đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp cần phải xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, xác định đây là vấn đề cốt lõi, là nền tảng cho doanh nghiệp phát triển”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẽ tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, có đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước.
Nhận định tại diễn đàn của nhiều doanh nghiệp cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp được chú ý và coi trọng hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua cho hay, biết sống vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình. Thời gian dịch bệnh vừa qua, du lịch gặp nhiều khó khăn. Công ty đã kết hợp ngắn ngày – dài ngày, mùa vụ và không mùa vụ… nên trong dịch chỉ bị ảnh hưởng khoảng 30%. Hiện đơn vị đủ sức để vực dậy sau COVID-19. Và chính trong dịch bệnh, Ao Vua đẩy mạnh đào tạo văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên phục vụ, người lao động, hướng tới sự phục vụ tốt hơn nữa sau khi dịch bệnh kết thúc.
Cũng theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, COVID-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn cung hàng và nhu cầu trên thế giới. Tuy nhiên, với nền tảng trưởng thành, xây dựng văn hóa kinh doanh trong nhiều năm, dù khó khăn nào thì cũng phải giữ được văn hóa của doanh nghiệp. Thời gian qua, doanh thu của đơn vị bị ảnh hưởng 50-70%, chủ yếu ở mảng sản xuất truyền thống veston...
Tại diễn đàn, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (Ban tổ chức 248) cho biết, đơn vị đã hoàn thiện ban hành bộ tiêu chí văn hóa dn VN, quy chế tôn vinh doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu; là động lực thúc đẩy doanh nghiệp không chỉ phát triển văn hóa mà đây còn là sức mạnh mềm của nhiều doanh nghiệp hiện hữu.
Diễn đàn đã chia sẻ, đem lại góc nhìn mới từ văn hóa kinh doanh về những thách thức và cơ hội từ COVID-19, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thời kỳ hậu COVID-19; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thích nghi, tái hoạt động, phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế xã hội của đất nước; tôn vinh các doanh nghiệp đã có nỗ lực vượt bậc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam từng bước khắc phục tác động bất lợi do đại dịch gây ra...
Đức Dũng/TTXVN