Phim Việt - Nặng yếu tố 'bán được'…
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ cần nhìn lại khoảng 10 năm trước, với những phim như Hạt mưa rơi bao lâu (2005), Áo lụa Hà Đông (2006), Dòng máu anh hùng (2007)… rõ ràng điện ảnh Việt đã có khát vọng phiêu lưu với những đề tài khó, hay ít ra, có ước mơ làm cho được những bộ phim… vì phim.
- Phim Việt dự tuyển Oscar: Mất gì đâu, cứ đi!
- Phim Việt và công chúng Việt được gì, mất gì?
- Khi phim Việt chỉ dành cho giới trẻ: Lo cho tương lai nền điện ảnh
Khoảng 20 năm trước, sau thời phim “mì ăn liền”, phim Việt sa sút nghiêm trọng về chất lượng và đánh mất niềm tin của khán giả, họ bỏ rạp, bỏ sân bãi trống trơ.
Mãi tới phim Gái nhảy (năm 2003) thì khán giả mới dần trở lại - dù niềm tin vẫn lung lay, nhưng sự ủng hộ phim Việt của họ thì dường như vô bờ, nên họ dần dần tự xí xóa.
Năm 2003, với phim "Gái nhảy" do Lê Hoàng đạo diễn khán giả mới dần quay lại với phim Việt. Ảnh: Internet
Bởi tính từ Gái nhảy đến nay, số phim nghiêm túc, chất lượng vẫn còn quá ít, mà phim nhảm nhí, ăn xổi ở thì vẫn quá nhiều, nhưng tình cảm khán giả vẫn chưa lung lay đến mức đánh mất niềm tin một lần nữa. Đây có lẽ là lý do chính để có số lượng phim chiếu rạp nhiều như hiện nay, và còn tăng trưởng trong những năm sau.
Hiện nay, ngoài phim Sút đang chiếu có nội dung và cách làm tương đối nghiêm túc, xem phần giới thiệu của các phim còn lại (teaser, trailer…), sự e ngại về những phim nhảm nhí, phim vô thưởng vô phạt vẫn khá nhiều. Chúng ta hay nói cụm từ “chờ đợi”, “đáng xem”, nhưng thật sự phim Việt chiếu rạp trong thời gian gần đây, có mấy phim xứng đáng với các cụm từ này.
Hướng đến thị trường, hướng đến cách làm phim mà nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về thu hồi vốn, kiếm lãi để tái đầu tư… là lành mạnh. Các nhà làm phim tư nhân chẳng thể trông chờ vào đâu để kiếm tiền nhằm tái đầu tư, ngoài việc bán vé, tìm quảng cáo, vậy thì việc họ hoàn toàn tập trung để làm những phim bán được nhiều vé, là chính đáng.
Thế nhưng phim ảnh được xem là ngành nghệ thuật thứ 7, nghĩa là nó phải có nghệ thuật, phải là sản phẩm của những người nghệ sĩ, nhà sáng tạo, chứ không thuần túy là sản phẩm để mua bán. Nhìn vào thực thể của một số phim Việt, ta dễ có cảm tưởng như đó chỉ là hộp bánh, mớ rau, tô phở… nên mục đích chỉ là bán được. Những phim đó hoàn toàn không còn tính sáng tạo, làm mới, phiêu lưu, nên làm phim mà không hề vì phim.
Trong tình thế như vậy, trước những phim sắp ra rạp như Cho em gần anh thêm chút nữa (ĐD: Văn Công Viễn, ra rạp từ 2/12), Chờ em đến ngày mai (ĐD: Đinh Tuấn Vũ), Vệ sĩ, tiểu thư, chàng khờ (ĐD: Việt Anh), Vệ sĩ Sài Gòn(ĐD: Ken Ochiai), Hình nhân (ĐD: Võ Ngọc - Hạnh Nhân), Ba vợ cưới vợ ba (ĐD: Eric Hải), Bạn gái tôi là sếp (ĐD: Hàm Trần), 49 ngày (phần 2, ĐD: Nhất Trung), Đời cho ta bao lần đôi mươi (đạo diễn Văn Anh - Tú Vi)… khán giả hãy tìm hiểu kỹ trước khi đi xem. Bởi phim Việt đã bước qua thời kỳ èo uột về số lượng, tình trạng chen chân ra rạp cũng đã bắt đầu, vậy thì khán giả cũng nên chắt lọc, khắt khe hơn, đừng mãi ủng hộ vô điều kiện.
Hãy dành sức và thời gian cho những phim nghiêm túc trong ý thức sản xuất, có tính sáng tạo, tìm tòi cái mới, được như vậy thì trình độ phim Việt mới được nâng lên, mới hy vọng có được những phim thật sự là phim. Bởi nhìn vào thực tế đầu tư, sản xuất và bán vé hiện nay cho thấy, chính khán giả sẽ quyết định mặt bằng chung.
Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa