Phim 'Unbroken' của Angelina Jolie: Chưa ra rạp đã chọc tức người Nhật
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim mới mang tên Unbroken của Angelina Jolie chưa được phát hành ở Nhật Bản. Tuy nhiên nó đã khiến không ít người Nhật tức điên, bởi hình ảnh trong phim đã gợi lại nỗi đau ở một đất nước vẫn đang phải vật lộn với quá khứ chiến tranh.
Trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt lời bình luận tiêu cực về Unbroken. Nhiều người đang kêu gọi tẩy chay, dù phim chưa có lịch phát hành ở Nhật Bản.
Sẽ tẩy chay cả phim và đạo diễn
Số khác muốn cấm cửa không chỉ bộ phim mà cả đạo diễn Angelina Jolie. Những người dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản gọi Jolie là “kẻ độc ác” khi làm Unbroken. Đây là một điều bất thường đối với một đất nước từng rất say mê Hollywood và hứng thú với cuộc sống của cặp vợ chồng Angelina Jolie - Brad Pitt.
Phim Unbroken được Jolie dàn dựng theo sát nội dung cuốn sách của Laura Hillenbrand phát hành năm 2010, viết về cuộc đời thực của Louis Zamperini, vận động viên điền kinh Olympic trở thành tù binh trong Thế chiến thứ 2.
Đạo diễn phim Unbroken, Angelina Jolie và cựu tù binh chiến tranh Louis Zamperini
Năm 1943, trong khi làm nhiệm vụ trên Thái Bình Dương, chiếc máy bay chở Zamperini cùng đồng đội đã bị rơi. 8 thành viên trong phi hành đoàn đã tử nạn, chỉ có Zamperini và phi công Russel Alllen Phillips là còn sống. Họ lênh đênh trên biển suốt 47 ngày cho tới khi bị phát xít Nhật bắt làm tù binh.
Trong thời gian bị giam cầm, Zamperini thường xuyên ăn đòn. Ông phải chịu đựng những màn tra tấn tàn bạo của một cai ngục độc ác có tên Mutsuhiro Watanabe. Zamperini bị giam giữ cho tới tháng 8/1945, thời điểm Thế chiến thứ 2 kết thúc, mới được tự do trở lại.
Cuốn sách của Hillenbrand chưa được dịch sang tiếng Nhật và bộ phim cũng chưa được công chiếu. Song các đoạn video quảng cáo được tung lên mạng đã làm người Nhật nổi giận.
Điều khiến họ phẫn nộ là một đoạn trong sách mô tả các tù nhân Mỹ bị thiêu, bị đâm hoặc đánh đến chết. Ngoài ra họ còn bị bắn, chặt đầu trong các cuộc thí nghiệm y học hoặc bị... ăn thịt. Những người phản đối cho rằng thông tin viết trong cuốn sách gốc là hoàn toàn bịa đặt.
“Không hề có hoạt động ăn thịt người ở Nhật Bản, đó không phải là phong tục của chúng tôi” - Mutsuhiro Takeuchi, nhà giáo dục nghiêng về chủ nghĩa dân tộc, khẳng định.
Ông Takeuchi nói rằng Jolie được tự do làm bất kỳ bộ phim nào mà cô muốn. Tuy nhiên, ông khuyên Jolie nghiên cứu kỹ lịch sử trước khi làm phim. Theo ông, các tội phạm chiến tranh ở Nhật Bản từng nhận án tử hình đều do phạm các tội danh liên quan tới chính trị, chứ không phải do họ có hành vi tra tấn.
Unbroken chưa ra rạp nhưng đã khiến những người dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản nổi cáu
Bị "ném đá" vì lịch phát hành thiếu nhạy cảm?
Unbroken không phải phim đầu tiên “chọc giận” người Nhật. Trước đó, Hollywood đã có nhiều phim động chạm đến các đề tài nhạy cảm, khiến dân Nhật bất bình.
Cụ thể, nhiều rạp đã hủy việc chiếu The Cove, bộ phim từng giành giải Oscar năm 2009, kể về những cuộc săn cá heo đẫm máu ở thị trấn Taiji ở Nhật Bản. Những người phản đối nói rằng bộ phim bôi nhọ “văn hóa” ăn thịt cá heo và lờ đi thực tế là phần lớn người dân Nhật Bản không hề ăn thị cá heo hay cá voi.
Roland Kelts, nhà báo đồng thời là một chuyên gia về văn hóa Nhật Bản, cho rằng phản ứng của người Nhật đối với phim Unbroken, cũng giống như với The Cove, là “hết sức tầm thường và có thể dự báo được”.
“Chưa ai trong số họ (những kẻ chỉ trích) từng xem bộ phim. Mặc dù được dàn dựng theo câu chuyện của một người đàn ông có thực ngoài đời, đây chỉ là một tác phẩm điện ảnh, chứ không phải phim tài liệu. Trước kia đã từng có rất nhiều phim mô tả sự tàn bạo và vô nhân đạo của chiến tranh” – ông Kelts nói.
Trong một chuyến quảng bá phim mới đây ở Australia, Jolie nói rằng cô muốn mô tả một “câu chuyện đầy tính nhân văn, giúp mang tới hy vọng". Cô cũng muốn nói rằng chiến tranh luôn đẩy con người ta tới cực điểm của sự tốt đẹp hay xấu xa.
Dĩ nhiên, không phải lúc nào người Nhật Bản cũng có phản ứng tiêu cực với những bộ phim Hollywood mang đề tài Thế chiến thứ 2. Hồi năm 2006, đạo diễn Clint Eastwood tung ra bộ phim Letters From Iwo Jima, đã mô tả rất đẹp hình ảnh một người chỉ huy quân đội Nhật Bản. Phim được công chúng Nhật Bản đón nhận nhiệt tình.
Một số đạo diễn Nhật Bản cũng tung ra các phim mang đề tài chiến tranh được chào đón. Chẳng hạn, nhà làm phim Akira Kurosawa đã làm phim No Regrets for Our Youth, Ran và Seven Samurai. Đạo diễn Kihachi Okamoto có phim The Human Bullet và Kon Ichikawa phát hành phim The Burmese Harp, truyền đi các thông điệp phản chiến đầy sức mạnh.
Giới quan sát cho rằng, Unbroken nhận phản ứng tiêu cực có lẽ do lịch phát hành phim rơi đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi Nhật Bản đang cố gắng xoa dịu và xóa nhòa quá khứ phát xít của nước này trong con mắt các láng giềng ở châu Á.
VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa