Phim 'Tháng 5 để dành': Tiếng nói trong trẻo của những người trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Một bộ phim mà từ ê-kíp sản xuất đến biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên đều là những người gần như lần đầu làm phim chiếu rạp. Một phim mà từ khi bấm máy đến giai đoạn hậu kỳ kéo dài hơn 1.000 ngày thực hiện. Dẫn ra như vậy để thấy Tháng 5 để dành (đạo diễn: Lê Hà Nguyên) thật sự là nỗ lực đáng ghi nhận của những nhà làm phim độc lập.
Dựa trên tiểu thuyết Ranh giới của tác giả Hoàng Trung Hiếu, một thời đình đám trên mạng, khi các blog Yahoo! 360° còn đang thịnh hành, Tháng 5 để dành xoay quanh những rung động đầu đời của Hiếu và cô bạn lớp phó Mai Ngọc. Phim sẽ công chiếu toàn quốc từ ngày 24/5/2019.
Nhẹ nhàng, tinh khôi
Chuyển thể một truyện dài lên phim là thử thách không hề dễ dàng đối với bất cứ nhà làm phim nào, huống hồ một ê-kíp lần đầu làm phim như Tháng 5 để dành. Nhưng lợi thế của những người trẻ chính là tuổi trẻ, sự nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm và nhất là… có thời gian để sửa sai. Phim làm mất cả 3 năm là vì vậy. Chính điều đó đã làm nên tinh thần của Tháng 5 để dành - một bộ phim về tuổi học trò trong trẻo, tinh khôi.
Phim Việt làm về tuổi học trò không thiếu ở ngoài rạp nhưng Tháng 5 để dành khác những phim trước đây ở chỗ do ê-kíp miền Bắc thực hiện. Phim kể câu chuyện về những cô cậu học trò miền Bắc, bối cảnh cũng không phải ở thành thị hiện đại, mà là làng quê Bắc bộ. Nét mới lạ này xuyên suốt tạo nên một nét rất riêng.
Các hình ảnh gợi tưởng như: Bánh cam, hũ sữa chua - món quà vặt bình dị dân dã của tuổi học trò; chiếc ti vi màu cổ lỗ sĩ, đầu đĩa VCD, cái ăng-ten truyền hình điển hình, luôn mọc chễm chệ trên các nóc nhà thập niên 1990; bộ đồng phục học sinh với áo sơ mi trắng, quần Tây xanh, dép nhựa; trò chơi nhảy dây, dán giấy vào áo bạn ngồi trước… Tất cả những chi tiết trên phim khiến những ai đã đi qua thời học sinh không khỏi xúc động.
Một “của để dành” khác mà ê-kíp tặng cho khán giả Tháng 5 để dành chính là những cảnh quay rất đẹp. Không thể không xuýt xoa trước khung cảnh hữu tình của hồ Đại Lải mênh mông êm đềm trong những phân cảnh Hiếu và Ngọc hẹn hò. Rồi nét bình yên của những con đường làng được bao bọc bởi cánh đồng lúa chín, hoặc vẻ cổ kính của những mái nhà xưa.
Việc kiên nhẫn đợi đúng mùa lúa chín mới ghi hình, cũng như việc dành hàng tháng trời rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm những địa điểm ưng ý nhằm đưa người xem bước vào không gian sống của nhóm nhân vật một cách thuyết phục nhất. Điều này cho thấy một tư duy làm phim nghiêm túc, rất đáng quý của một ê-kíp trẻ.
Điểm tựa niềm tin
Một trong những điều khiến người xem ngán ngại những phim Việt làm về tuổi học trò là mời những gương mặt đang ăn khách “cưa sừng làm nghé”, rất may Tháng 5 để dành không rơi vào trường hợp này. Đảm nhiệm vai chính Hiếu và Mai Ngọc trong phim là diễn viên Phùng Xuân Hùng và Minh Trang, hai gương mặt 9X hợp vai từ độ tuổi cho đến ngoại hình nhân vật.
Nữ diễn viên đất cảng Minh Trang và Phùng Xuân Hùng được biết đến nhiều qua các bộ phim truyền hình. Với vốn diễn xuất đã lận lưng như trên cùng với việc từng đóng chung trong phim Bạch mã hoàng tử, Minh Trang và Xuân Hùng tỏ ra khá ăn ý khi vào vai một cặp đôi.
Những rung động của tuổi mới lớn, những khoảnh khắc ngại ngùng phân vân giữa lý trí và bản năng được cả hai thể hiện tự nhiên. Phân cảnh “đinh” là đêm trăng tội lỗi trong truyện được tái hiện khá lãng mạn, không phụ lòng chờ đợi của các khán giả đã đọc truyện.
Khó có thể so sánh giữa truyện và phim nhưng chí ít Tháng 5 để dành cũng không làm những người từng yêu mến truyện này thất vọng. Tất nhiên với một tác phẩm đầu tay thì khó có thể đòi hỏi sự hoàn hảo về cách kể, phát triển tâm lý nhân vật, nhưng chí ít thì phim cũng có thể mang đến niềm tin về một thế hệ làm phim trẻ, tin vào dòng phim độc lập sẽ có chỗ đứng trong tương lai, nếu dự án nào cũng được làm bằng cả trái tim như Tháng 5 để dành.
Dương Ngọc