Phim Việt có thể 'so kè' được ở Đông Nam Á?
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 19/2 tại Đại học Hoa sen (TP.HCM) đã diễn ra buổi giao lưu chủ đề ASEAN đa dạng qua nghệ thuật điện ảnh. Buổi trò chuyện xoay quanh nhiều vấn đề, trong đó có việc phim Đảo của dân ngụ cư từng đoạt 3 giải tại LHP quốc tế ASEAN 2017 (AIFFA), để từ đây sinh ra câu hỏi là liệu phim Việt đã có thể sánh vai, so kè được với các phim của các nước thuộc Đông Nam Á chưa?
Tham gia buổi trò chuyện có bà Livan Tajang (Giám đốc AIFFA), diễn viên Hồng Ánh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.
Nhìn từ vài con số
Đông Nam Á hiện có hơn 620 triệu người, với chủ đạo là dân số trẻ, nên được xem là mảnh đất màu mỡ của ngành giải trí và phim. “Các trào lưu về giải trí được cập nhật không thua kém các quốc gia phương Tây khác, đặc biệt là về công nghệ giải trí trên nền tảng kỹ thuật số” - bà Livan Tajang lạc quan.
Bà nói thêm: “Đông Nam Á giờ được đánh giá là thị trường năng động, hấp dẫn của phổ biến và phát hành phim ảnh, bên cạnh thị trường Trung Quốc. Rất nhiều phim ASEAN đã được vinh danh và thừa nhận tại các LHP quốc tế hạng top, nó như một động lực thúc đẩy và nâng cao năng lực, sức sáng tạo của các nhà làm phim trong khu vực này”.
Bà Livan Tajang cũng cho biết rằng gần đây có lẽ Philippines là nước làm phim nhiều nhất, khoảng 200 phim mỗi năm, còn ít nhất là Brunei, thường chỉ một phim. Như vậy, với số lượng từ 50-60 phim mỗi năm, Việt Nam cũng thuộc nhóm những quốc gia sản xuất nhiều phim trong Đông Nam Á.
Về mặt doanh thu, chưa có một thống kê chính xác cho toàn Đông Nam Á, nhưng nhìn chung là đang tăng trưởng rất ngoạn mục. Theo ước tính của CGV, tổng doanh thu phòng vé năm 2017 của Việt Nam là 3.250 tỷ, tăng 16% so với năm 2016 (2.800 tỷ), trong đó phim Việt chiếm 25%. Hiện tại quán quân phòng vé phim Việt đang thuộc về Cua lại vợ bầu, theo số liệu ngày 17/2/2019 đã là 176,5 tỷ đồng, tương đương hơn 7,5 triệu USD.
Vài số liệu chưa đầy đủ để so sánh, năm 2018 phim The Hows Of Us của Philippines đã thu về 915 triệu peso, tương đương hơn 1,1 ngàn tỷ đồng. Phim Munafik 2 của Malaysia thu về 48 triệu ringgits, tương đương hơn 273 tỷ đồng. Năm 2013, phim Pee Mak của Thái Lan đã thu về hơn 36,6 triệu USD, tương đương hơn 848 tỷ đồng.
Như vậy về mặt số lượng và doanh thu thì nhìn chung phim Việt cũng không đến nỗi nào, chưa nói đà tăng trưởng đang khá tốt. Về mặt giải thưởng, dù phim Việt đã vươn đến nhiều LHP quốc tế danh giá và có thành tựu, nhưng AIFFA cũng đang trở thành một cửa ngõ “vừa sức”, một bảo chứng quan trọng. Hồng Ánh kể rằng sở dĩ Đảo của dân ngụ cư được nhiều LHP mời là nhờ 3 giải thưởng đã đoạt tại AIFFA.
Vấn đề riêng và chung
Đông Nam Á là vùng đất cổ xưa bậc nhất của loài người, nên vấn đề di sản, văn minh, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ… rất đa dạng, độc đáo. Nội Indonesia đã có hơn 300 dân tộc và hơn 700 ngôn ngữ địa phương. Rất may mắn, phim ảnh hiện nay lại không bị hạn chế quá nhiều vào ngôn ngữ, do kỹ thuật phụ đề đã khá đơn giản và rẻ.
Bà Livan Tajang nói rằng khi xem phim Đảo của dân ngụ cư thì chẳng thấy rào cản gì đáng kể về mặt ngôn ngữ cả. Giải thưởng lớn nhất của AIFFA đó là tinh thần Đông Nam Á, làm sao để trong sự đa dạng, độc đáo sẽ có tiếng chung, câu chuyện giao thoa rộng, dễ chia sẻ.
Phim Munafik 2 và Pee Mak… có thể đoạt danh thu cao như vậy là nhờ sự chia sẻ thị phần với nhiều nước trong khu vực. Ngôn ngữ Malaysia và Indonesia không nhiều cách biệt, nên Munafik 2 có thể tha hồ bán vé tại Indonesia. Thái Lan chuyên trị dòng phim ma và kinh dị, mà câu chuyện, cách kể của Pee Mak khá quốc tế, nên nước nào cũng xem được.
Bà Livan Tajang cũng cho rằng việc hòa hợp và chia sẻ niềm quan tâm, cảm hứng chỉ còn là chuyện sớm chiều của Đông Nam Á, vì đây đang là khối có nhiều cơ sở để quan hệ bền vững, thịnh vượng. Trong tương lai việc liên minh sản xuất phim giữa ba, bốn nước với nhau sẽ rất phổ biến, nên trong phim thương mại không việc gì phải hoạt động cô lập, riêng lẻ.
“Với thực lực hiện có, tôi nghĩ phim Việt hoàn toàn có thể so kè được ở khu vực Đông Nam Á rồi” - bà Livan Tajang nói.
Văn Bảy