Phim 'Kong: Skull Island' - cơ hội khổng lồ cho thắng cảnh Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/11, người hâm mộ điện ảnh không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới "phát sốt" khi trên fanpage của bộ phim bom tấn Hollywood Kong: Skull Island đã tung ra trailer chính thức. Điều đặc biệt, phim có khoảng hơn 1/3 số cảnh quay tại Việt Nam.
- Trailer mới phim ‘Kong: Skull Island’ cực ấn tượng về Việt Nam
- Thông điệp bí ẩn trong phim 'Kong: Skull Island' quay ở Việt Nam
- Việt Nam hùng vĩ trong trailer ra mắt Kong: Skull Island
Khán giả có thể nhận ra khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, những ngọn núi xinh đẹp tại Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long. Những thắng cảnh thiên nhiên hùng vỹ bậc nhất Việt Nam và có thể là cả thế giới.
Khi đoàn làm phim Hollywood đến Việt Nam quay phim bom tấn này, chúng ta, những khán giả Việt Nam và cư dân khắp hành tinh đã háo hức chờ đợi bộ phim được gọi là siêu phẩm này. Và với trailer chính thức, có lẽ người hâm mộ đã không phải thất vọng.
Chắc chắn, cho đến nay có thể khẳng định bộ phim sẽ thu hút được lượng khán giả khổng lồ đến rạp khi được công chiếu vào đầu năm sau. Đó không chỉ là lúc các nhà sản xuất "thu hồi vốn" mà còn là cơ hội khổng lồ cho các thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Áp-phích chính thức của phim "Kong: Skull Island"
Đó là hàng loạt danh thắng như quần thể di sản thế giới Tràng An, Vân Long, Tam Cốc ở Ninh Bình, vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh và Phong Nha ở Quảng Bình. Những danh thắng ở Việt Nam vốn đã là siêu phẩm của thiên nhiên, qua kĩ thuật hậu kì của Hollywood càng trở nên lung linh, huyền bí, thật sự bắt mắt và cuốn hút.
Trước Kong: Skull Island, Việt Nam từng xuất hiện trong không ít những bộ phim đình đám thế giới, nếu không muốn nói đó là những “siêu phẩm”.
Như bộ phim nổi tiếng Người tình khởi quay tại Việt Nam vào năm 1986, hoàn thành năm 1990. Phim có nhiều cảnh quay thực hiện tại miền Tây Nam Bộ với cánh đồng lúa bát ngát, những phiên chợ quê bình dị, nhà cổ ở Sa Đéc, Đồng Tháp hay cảnh phố Sài Gòn.
Phim Đông Dương (tiếng Pháp: Indochine) công chiếu lần đầu năm 1992 mà diễn viên chính, ngôi sao Catherine Deneuve cũng vừa đến Việt Nam trong LHP quốc tế Hà Nội. Phim được trao Giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất. Những cảnh quay được thực hiện từ Đại Nội đên tận hậu cung của Kinh thành Huế. Và rất nhiều những cảnh đẹp khắp Việt Nam như nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình, đảo trên vịnh Hạ Long.
Một cảnh núi non hùng vĩ của Việt Nam trong đoạn trailer trong phim "Kong: Skull Island". Ảnh: Warner Bros
Và mới đây, "Pan" là một bộ phim nổi tiếng của Mỹ sản xuất năm 2015 của đạo diễn Joe Wright với sự tham dự của nhiều diễn viên nổi tiếng. Đoàn phim đã chọn bối cảnh Vịnh Hạ Long, Hang Én, hang động lớn thứ 3 thế giới ở Quảng Bình để quay những cảnh mang tính chất huyền ảo, thần tiên của nhân vật cậu bé Pan tại vùng đất Neverland.
Trailer Kong: Skull Island ngay khi ra mắt đã thu hút hàng chục triệu lượt xem, và con số này tiếp tục tăng cùng với nhiều lời khen ngợi của khán giả khắp thế giới về "bối cảnh" Việt Nam. Chắc chắn đó là một đoạn quảng cáo tuyệt vời cho du lịch Việt Nam, kỳ công và ăn khách hơn bất cứ video quảng bá du lịch nào mà chúng ta thực hiện trước đó.
Nên nhớ, chúng ta phải mất cả triệu USD cho vài phút xuất hiện trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới. Đó cũng là điều mà du lịch Việt Nam sẽ phải tận dụng để quảng bá những “siêu phẩm” mà thiên nhiên ban tặng chúng ta.
Một ví dụ nhỏ, như Thái Lan hòn đảo Phi Phi đã nổi danh thế giới sau khi tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio tới đây đóng phim The Beach vào năm 2000. Ngay khi bộ phim công chiếu, nhưng người có trách nhiệm của ngành du lịch đã làm việc với nhà sản xuất, để các poster, clip... về hòn đảo gắn liền với tài tử Leonardo DiCaprio và bộ phim nổi tiếng.
Trong các tài liệu giới thiệu chương trình tham quan hòn đảo, du khách sẽ đọc được câu: “Tới đảo Phi Phi, bạn có thể cắm trại ngay tại bãi biển mà chàng Leonardo DiCaprio đẹp trai từng dạo bước trong phim The Beach”. Vấn đề là chúng ta phải hành động như họ.
Trailer mới cực kỳ hấp dẫn của quả bom tấn "Kong: Skull Island"
Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa