Phim 'India's Daughter': Vụ hiếp dâm chấn động Ấn Độ lên màn bạc
(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày 15/4 tại Không gian nghệ thuật Manzi (Hà Nội) sẽ diễn ra một buổi thảo luận về bộ phim India's Daughter (tạm dịch Người con gái Ấn Độ). Nhà sản xuất Riddhi Jha sẽ chiếu một số trích đoạn phim, thảo luận cùng các nhà làm phim độc lập.
India’s Daughter gồm những cuộc phỏng vấn chưa từng được công bố trước đây với những người bị kết tội hiếp dâm và giết hại cô sinh viên y khoa Jyoti Singh ở Delhi, Ấn Độ vào tháng 12/2012. Phim do Leslee Udwin đạo diễn.
Người con gái Ấn Độ mang tên Jyoti Singh
2 năm là khoảng thời gian để Udwin hoàn thành bộ phim tài liệu về vụ việc gây phẫn nộ cho cả thế giới. Trước khi qua đời, Jyoti Singh, 23 tuổi, sắp sửa làm đám cưới với bạn trai.
Chủ nhật ngày 16/12/2012, cô rời rạp chiếu phim trở về nhà, sau khi xem bộ phim Cuộc đời của Pi cùng một người bạn trai. Họ lên chiếc xe khách đã có 6 người đàn ông khác ở trên.
6 kẻ này về sau đã thay nhau hiếp dâm Jyoti và còn dùng một thanh sắt để xâm hại tình dục, khiến cô bị tổn thương nội tạng nghiêm trọng. Cô qua đời cuối tháng 12 năm đó, tại một bệnh viện ở Singapore.
Khi sinh con ra, cha cô gái đã đặt cho cái tên Jyoti, nghĩa là “ánh sáng và niềm vui”. Thật bất hạnh khi cô đã không thể đón nhận niềm vui sướng mà cha cô hy vọng.
“Hạnh phúc chỉ còn cách con tôi có vài bước chân nữa thôi” - ông Badri Singh, cha của Joyti, cho biết. Ông và vợ đã bán mảnh đất của gia đình để trả học phí cho Jyoti và hai người con trai.
Chính Jyoti đã thuyết phục ông đầu tư tiền của cho sự học của các con, thay vì để dành cho đám cưới của họ. Các anh em của ông Badri đều thắc mắc sao ông lại “phí tiền” cho một đứa con gái.
Ấn Độ trong mắt thế giới đầy hủ tục, nhưng những cô gái như Jyoti đã và đang góp phần thay đổi điều đó. Đúng hôm bị cưỡng hiếp, cô vừa vượt qua kỳ thi để trở thành một bác sĩ.
Thông thạo tiếng Anh, cô làm thêm ở một tổng đài điện thoại từ 8h tối đến 4h sáng, chỉ ngủ mỗi ngày 3 tiếng để dành thời gian học. Ước mơ của cô là mở một bệnh viện ở ngôi làng của mình.
Đó là nhân vật khiến bộ phim tài liệu India’s Daughter ra đời. Jyoti chính là người con gái Ấn Độ. Không còn quá nhiều tình tiết bất ngờ do vụ việc đã được truyền thông mổ xẻ kỹ lưỡng từ khi diễn ra, nhưng bộ phim đi vào chiều sâu khi nhìn thẳng vào tệ nạn hiếp dâm tại đất nước Ấn Độ và bàn về sự thay đổi.
India’s Daughter khắc họa sự việc từ một góc nhìn vừa cụ thể vừa mở rộng. Những kẻ hiếp dâm hiện ra với hình hài cụ thể, không như một thế lực tội ác mơ hồ.
Đó là 5 người đàn ông trưởng thành và một thiếu niên 17 tuổi chưa thành niên. Nhưng trong đêm định mệnh đó, họ biến thành những con quỷ khi tấn công không thương tiếc nạn nhân, trước khi ném cô gái xuống đường như một thứ rác rưởi đáng vứt đi.
Xuống đường vì bình đẳng giới
Tại India’s Daughter, người ta được nhìn thấy bức tranh rộng lớn trong vòng 30 ngày sau vụ hiếp dâm xảy ra, nhất là khi Jyoti qua đời. Một làn sóng biểu tình đã tràn ra trên khắp các con đường ở những thành phố lớn của Ấn Độ. Những gương mặt đàn ông, phụ nữ phẫn nộ, lo âu. Họ kêu gọi bình đẳng giới, thứ đã được công nhận trong hiến pháp Ấn Độ nhưng rất mờ nhạt trong đời sống, được thực thi. Cựu cố vấn pháp luật Gopal Subramaniam gọi đó là “một biểu hiện quan trọng cho niềm hy vọng của xã hội”.
“Đó là một cuộc biểu tình cách mạng đối với bình đẳng giới” – đạo diễn Udwin nói - “Điều thôi thúc tôi bỏ lại chồng và hai đứa con ở nhà trong suốt 2 năm thực hiện bộ phim ở Ấn Độ không hẳn là nỗi kinh hoàng từ nạn hiếp dâm, mà là những cuộc nổi dậy bất thường trên đường phố. Như một tiếng thét “Quá đủ rồi””.
India’s Daughter được lên lịch chiếu ở 8 quốc gia, trong đó có Anh, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Nauy và Canada. Nhưng tại Ấn Độ, có lệnh cấm chiếu phim vào ngày 3/3, sau khi thông tin quảng bá tiết lộ bộ phim có cảnh phỏng vấn một trong các thủ phạm hiện bị giam giữ ở trại giam Tihar.
Ở đây cần nói rằng một tâm điểm của bộ phim là cuộc phỏng vấn nhân vật Mukesh Singh, tài xế chiếc xe khách, trong nhà tù Tihar ở Delhi. Gã này cùng 5 kẻ khác đã tham gia vụ hiếp dâm Joyti.
Trong cuộc phỏng vấn, Mukesh Singh nói: “Bạn không thể vỗ bằng một tay, phải cần hai tay. Một cô gái đàng hoàng sẽ không lang thang vào ban đêm. Phụ nữ phải chịu trách nhiệm khi bị hiếp dâm chứ không phải đàn ông”.
Khi bị hiếp, Jyoti đã chống cự quyết liệt, nhưng theo Singh, cô gái nên “im lặng và chấp nhận bị hiếp”. “Nếu thế, bọn tôi sẽ thả cô ta ra sau khi xong việc và chỉ đánh tên kia thôi”.
Bất kể chi tiết gây tranh cãi này, sức lan tỏa của India’s Daughter vẫn đến với các quốc gia khác. Ngày 9/3, ở New York, minh tinh Mỹ Meryl Streep cùng nữ diễn viên Ấn Độ nổi tiếng Freida Pinto đã mở chiến dịch quảng bá toàn cầu cho India’s Daughter, chống lại bất bình đẳng giới và bạo lực tình dục với nữ giới.
Được biết mỗi quốc gia đều có những số liệu đáng sợ về nạn hiếp dâm. Ấn Độ có 1,2 tỷ dân, cứ 20 phút lại có một vụ hãm hiếp xảy ra. Ở Anh và xứ Wales, 85.000 phụ nữ bị hãm hiếp mỗi năm. Ở, Đan Mạch, cứ 5 phụ nữ thì có một người từng bị tấn công tình dục.
“Chúng ta có nền văn hóa tốt nhất. Trong nền văn hóa đó, không có chỗ cho phụ nữ” – ML Sharma, luật sư biện hộ tại vụ hiếp dâm nữ sinh Jyoti Singh, đã nói trong bộ phim. Những tư tưởng như thế vẫn tồn tại như một trong vô vàn biểu hiện của sức mạnh nam giới, nhốt cả xã hội vào quá khứ.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa