Phim 'Hồn papa da con gái': Hồn Nhật, da Việt?
(Thethaovanhoa.vn) - Từng được giới thiệu trailer và một số trích đoạn vào đầu tháng 12, nhưng phải tới ngày 28/12 này, phim Hồn papa da con gái của đạo diễn Ken Ochiai mới chính thức được công chiếu, như một lời tạm biệt của điện ảnh Việt với năm 2018.
Trước đó, với những đoạn phim được cung cấp, Hồn papa da con gái được người xem hào hứng đón đợi từ lúc còn ở giai đoạn dự án. Một phần, đây cũng là phim đánh dấu sự tái hợp của bộ đôi nhà sản xuất Charlie Nguyễn và nữ diễn viên Kaity Nguyễn sau thành công của Em chưa 18.
“Bệnh” của phim Việt hóa
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Nhật Bản là Papa To Musume No Nanokakan (7 ngày của cha và con gái) của Takahisa Igarashi, kể về cuộc sống bị đảo lộn giữa hai cha con khi họ bị hoán đổi thân xác.
Truyền hình Nhật và điện ảnh Hàn từng chuyển thể câu chuyện này thành phim, giờ đến các nhà làm phim Việt nhảy vào thử sức. Phiên bản Việt xoay quanh hai cha con của Hải (Thái Hòa thủ vai) - nhân viên phòng sáng tạo, và Châu (Kaity Nguyễn) - nữ sinh cấp ba.
Kể từ khi người mẹ, người vợ trong nhà qua đời, sự kết nối giữa hai cha con gần như mất hẳn. Hải vùi đầu vào công việc, chơi điện tử và sống vô tư hời hợt như một đứa trẻ, trong khi Châu lại như bà cụ non, quán xuyến hết việc nhà và chăm cha như con.
Vào ngày giỗ mẹ, vì Hải quên mua bánh trứng theo lời Châu dặn, hai cha con cãi nhau và vô tình bị hoán đổi thân xác. Từ khi sống trong cơ thể mới, cả hai mới nhận ra những tâm tư, tình cảm giấu kín của người kia để từ đó hiểu nhau hơn.
Phim có tiết tấu nhanh, màu sắc hiện đại, trẻ trung, nhạc phim khá phù hợp. Thế nhưng Hồn papa da con gái lại mang “hồn ngoại da Việt”, nên người Việt hơi khó gần gũi - đây cũng là “bệnh” thường thấy của phim Việt khi chuyển thể tác phẩm từ nước ngoài.
Có nhiều trường đoạn khá xa rời thực tế. Ví dụ cách chọn lựa ý tưởng tiếp thị theo hướng “chiến thắng” hoặc “bản sắc” như Hải trình bày trước tập thể. Như chuyện một nữ đồng nghiệp đến tận nhà Hải trói chân tay, bịt mắt anh trên giường rồi ve vãn. Như hình ảnh một nữ sinh vừa múa ba-lê vừa hút thuốc lá điện tử trong sự tán dương của đám đông….
Diễn tiến các tình huống trong phim cũng hơi lạ lẫm, lại thiếu sự kết nối mượt mà, khiến người xem khó cảm nhận được cảm xúc, chuyển biến tâm lý của nhân vật.
Kaity Nguyễn tiếp tục tỏa sáng
Một bộ phim theo mô-týp hoán đổi thân xác thực sự là thách thức cho diễn viên vì phải làm sao để khán giả cảm nhận được sự tréo ngoe giữa ngoại hình và tính cách tồn tại trong cùng một cơ thể.
Trong vai Châu, Kaity Nguyễn đã có sự trở lại đáng nhớ kể từ Em chưa 18. Khi chưa hoán đổi, Châu của Kaity Nguyễn là một bà cụ non, thường càm ràm. Hoán đổi xong, Châu đích thực là Hải từ dáng đi, tướng ngồi, biểu cảm nét mặt.
Giữa cô với Thái Hòa có tương tác tốt, diễn xuất ăn ý. Những cảnh chung của hai cha con, nhất là phân cảnh quan trọng như đoạn Châu to tiếng với Hải vì quên mua món bánh mẹ thích để cúng đã giúp Kaity Nguyễn phô diễn được tài năng. Kaity không hề tỏ ra kém cạnh trước đàn anh giỏi nghề, dù cô chỉ là diễn viên tay ngang.
Ở những cảnh múa ballet, Kaity Nguyễn thể hiện động tác xoạc chân, di chuyển trên đầu ngón chân nhuần nhuyễn như diễn viên chuyên nghiệp. Điều này cho thấy sự khổ luyện, thái độ làm nghề nghiêm túc ở cô gái trẻ này. Với độ khó tâm lý của nhân vật như Châu, Kaity Nguyễn đã chứng tỏ năng lượng ở cô còn nhiều tiềm ẩn.
Ngoài Kaity Nguyễn, nam chính Thái Hòa và những diễn viên phụ như NSND Hồng Vân (vai cô Liên hàng xóm), Kathy Uyên (vai Nhung), Vân Trang (vai Bình) cũng hoàn thành tốt nhân vật của mình. Các diễn viên khác như Gi A Nguyễn, Huy Khánh, Trang Hý, Trịnh Thảo cũng tròn vai, chỉ có điều tuyến nhân vật của họ… khá thừa.
So với Vệ sĩ Sài Gòn, phim thứ hai của Ken Ochiai tại Việt Nam đã đến gần hơn chất Việt, nhưng để chạm đến sự đồng cảm của số đông có lẽ phim còn một khoảng cách khá xa. Đây cũng là điều đáng tiếc, vì tình cha và con gái là đề tài dễ khiến người xem rung động, hai diễn viên có thừa năng lực để thể hiện.
Dương Ngọc