Phía sau vụ đấu giá kiệt tác của Gustav Klimt
Trong gần 100 năm qua, Portrait of Miss Lieser của họa sĩ người Áo Gustav Klimt (1862 - 1918) được cho là đã thất lạc. Sau đó, tác phẩm bất ngờ xuất hiện tại một cuộc đấu giá ở Vienna (Áo) vào cuối tháng 4 vừa qua và đạt giá 30 triệu euro (32 triệu USD).
Nhưng điều gì đã xảy ra với tác phẩm nghệ thuật từng tồn tại dưới thời Đức Quốc xã vẫn còn là một bí ẩn.
Vẫn mù mờ về nguồn gốc
Portrait of Miss Lieser mô tả ánh mắt của cô gái trẻ vừa thẳng thắn lại vừa hiền lành. Một chiếc áo choàng được trang trí lộng lẫy bằng hoa quấn quanh vai cô, tương phản rõ rệt với nền đỏ của bức tranh.
Bức tranh này được vẽ trong thời kỳ sáng tạo cuối cùng của Klimt, không lâu trước khi họa sĩ qua đời. Trong tranh, chữ ký của nghệ sĩ bị thiếu và đó là lý do tại sao người ta tin rằng ông không kịp hoàn thành tác phẩm trước khi chết vì đột quỵ vì viêm phổi ở tuổi 56.
Nhà đấu giá Im Kinsky ở Vienna đã bán tác phẩm vào cuối tháng 4 vừa qua với giá 30 triệu euro. Đây là một cuộc mua bán không gây chấn động như mong đợi, khi chỉ có một người đấu giá duy nhất cho tác phẩm và mức giá ước tính của nhà đấu giá (khoảng 30 -5 0 triệu euro), gần như không đạt được.
Các nhà đấu giá có lẽ đã thất vọng vì các bức tranh của Klimt được biết đến với mức giá kỷ lục. Ví dụ, bức tranh Lady with a Fan của ông đã được bán cho một nhà sưu tập tư nhân đến từ Hong Kong (Trung Quốc) tại Sotheby's ở London vào năm 2023 với giá hơn 108 triệu USD. Hay năm 2006, tỷ phú và nhà sưu tầm nghệ thuật người Mỹ Ronald Lauder đã trả khoảng 135 triệu USD cho bức Portrait of Adele Bloch-Bauer - "người phụ nữ mặc đồ vàng" nổi tiếng của Klimt.
Nhiều nhà quan sát cho rằng sự xuất hiện bất ngờ của Portrait of Miss Lieser vừa qua là một câu chuyện ly kỳ về nghệ thuật. Nó chắc chắn dẫn đến nhiều câu hỏi: Người được miêu tả trong bức chân dung này là ai? Ai đã ủy quyền bán bức tranh và là chủ sở hữu ban đầu của nó? Điều gì đã xảy ra với bức tranh trong thời kỳ Đức Quốc xã? Làm thế nào mà nó lại có mặt trên thị trường nghệ thuật sau khi trở thành một phần của một bộ sưu tập tư nhân giấu tên tại Áo?
Khi bức tranh xuất hiện trở lại, hầu hết những câu hỏi đó đều chưa được giải đáp. Nhưng bắt buộc nhiều khía cạnh cần phải được làm rõ để cuộc đấu giá có thể diễn ra.
Điều quan trọng nhất là bức tranh của Klimt từng thuộc sở hữu của một người Do Thái và có phải chủ sở hữu buộc phải bán nó dưới áp lực của Đức Quốc xã? Nếu vậy, giờ nó phải được xử lý như một trường hợp bồi thường và trả lại cho những người thừa kế của chủ sở hữu theo nguyên tắc của Hội nghị Washington nhằm xử lý các tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã tịch thu (ra đời năm 1998).
Và nếu bức tranh rơi đúng vào trường hợp nêu trên, đương nhiên việc xuất khẩu tác phẩm từ Áo sẽ gặp khó khăn về mặt pháp lý. Và việc bán nó ra nước ngoài gần như là không thể.
Những tuyên bố trái chiều
Nghiên cứu của nhà đấu giá tiết lộ rằng người ủy quyền và chủ sở hữu đầu tiên của bức tranh được cho là Henriette Amalie Lieser, vốn được biết đến với cái tên "Lilly" - một người bảo trợ cho nền nghệ thuật Vienna và là vợ của nhà công nghiệp Justus Lieser cho đến năm 1905. Lilly Lieser chết trong trại tập trung của Đức Quốc xã vào năm 1943. Còn người được miêu tả trong bức tranh có thể là một trong hai cô con gái của bà. (Cũng có thông tin rằng một nhánh khác của gia đình Do Thái này có thể sở hữu bức tranh - đó là một người tên Adolf Lieser và vợ ông Silvia. Con gái Margarethe của họ được 18 tuổi khi Klimt vẽ bức chân dung này).
Dù sao, có thể tạm hình dung rằng Lilly Lieser đã bán bức tranh khi tài sản của bà đã bị đóng băng sau khi Áo sáp nhập vào nước Đức của Hitler.
Nhà đấu giá Im Kinsky cho biết họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc nó bị tịch thu hoặc "tước đoạt bất hợp pháp". Tuy nhiên, họ đã giả định trường hợp xấu nhất này và coi bức tranh như một tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã cướp, và do đó đây gần như một trường hợp hoàn trả.
Nhà đấu giá cho biết, chủ sở hữu hiện tại và những người thừa kế hợp pháp của gia đình Lieser đã đạt được thỏa thuận, điều này dẫn đến việc số tiền đấu giá sẽ được chia cho họ.
Thông tin từ nhà đấu giá Im Kinsky cho biết: "Chính nhiều điều mơ hồ và những khoảng trống lịch sử của bức tranh đã thúc đẩy các chủ sở hữu hiện tại liên hệ với những người kế thừa hợp pháp của gia đình Lieser và đồng ý về một giải pháp công bằng và chính đáng với tất cả họ vào năm 2023". Dù vậy, thông cáo này không nêu tên chủ sở hữu hiện tại.
Cũng phía Im Kinsky cho biết thêm: "Tất cả đã đồng ý không tiết lộ nội dung của thỏa thuận nói trên. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng tất cả các khiếu nại phát sinh của tất cả các bên liên quan sẽ được giải quyết và thực hiện thông qua việc bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Do đó, theo thỏa thuận này, việc ai đã ủy quyền Gustav Klimt vẽ bức tranh và ai trong số ba cô gái trẻ được đề cập trong tranh là không quan trọng".
Từ thỏa thuận trên, Văn phòng quản lý Di tích Liên bang Áo đã cấp giấy phép xuất khẩu, mở đường cho cuộc đấu giá và khiến Miss Lieser trở nên hấp dẫn đối với các nhà đấu thầu quốc tế.
Nhưng ngay trước cuộc đấu giá, một người đàn ông đến từ Munich cũng bất ngờ tuyên bố mình là người thừa kế của những chủ sở hữu hợp pháp. Ông này yêu cầu rút giấy phép xuất khẩu và hủy bỏ cuộc đấu giá. Trên lý thuyết, trong trường hợp này, nếu đúng là người đàn ông được quyền thừa kế thì thỏa thuận về số tiền thu được cũng sẽ vô hiệu.
Tuy nhiên, nhà đấu giá đã không phản ứng với tuyên bố trên, và tiếp tục triển khai cuộc đấu giá, dẫn đến việc bức chân dung được bán với giá 30 triệu euro.
Đôi nét về Gustav Klimt
Gustav Klimt là một họa sĩ theo trường phái tượng trưng. Các tác phẩm chính của ông bao gồm tranh, tranh tường, bức phác họa và nhiều tác phẩm nghệ thuật khác.
Chủ đề hàng đầu trong tranh của Klimt là mô tả hình thể của người phụ nữ. Các tác phẩm vẽ bằng bút chì của ông mô tả nét khêu gợi quyến rũ của phụ nữ dù khỏa thân hay ăn mặc kín đáo.
Mặt khác, Klimt sử dụng mật độ lớn các hoa văn họa tiết trên tác phẩm của mình. Nhiều hoa văn này cũng được ông cách điệu và biến đổi khi quan sát các đồ vật, nghệ thuật đến từ phương Đông.
Đặc biệt, Klimt còn chịu ảnh hưởng cách thể hiện tạo hình của nghệ thuật khắc gỗ Nhật Bản. Ông sử dụng bố cục bất đối xứng, dạng hình chữ nhật đứng, đi kèm các những hoa văn phức tạp, cùng màu sắc tươi sáng.