Phép thử từ xe máy
(Thethaovanhoa.vn) - Ý tưởng thí điểm hạn chế xe máy trên trục đường Nguyễn Trãi (hoặc Lê Văn Lương) của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa mở ra một cuộc tranh luận gay gắt - như bao cuộc tranh luận từng có về chuyện quản lý xe máy trong thành phố.
Theo những gì được thông tin, tại một trong hai trục đường ấy, việc hạn chế xe máy có thể được áp dụng sớm hơn so với mốc 2030 – thời điểm Hà Nội dự kiến bắt đầu cấm xe máy tại một số khu vực.
Cần nhắc lại, nếu đường Lê Văn Lương có tuyến bus nhanh BRT hoạt động từ 2016 thì trục Nguyễn Trãi cũng chính là nơi có tuyến metro đang dự kiến vận hành vào tháng 4 này.
Trên lý thuyết, việc hạn chế xe máy tại những trục đường này là phù hợp – khi thay vì chạy xe máy cả chục km, người dân có thể đi bộ vài trăm mét tới các ga đường sắt đô thị (hoặc BRT) và vào trung tâm. Và ngược lại, khi việc vận hành xe máy bị giảm thiểu, metro và xe bus nhanh lại càng có cơ hội để phát huy ưu thế của mình.
Nhưng, đó là chuyện của lý thuyết.
Những năm qua, vấn đề hạn chế xe máy đã được chúng ta nhắc tới quá nhiều. Và, thực tế cũng đã khẳng định: tại những đô thị đang phát triển nóng và có hạ tầng rơi vào cảnh quá tải, xe máy (chứ không phải ô tô) là thủ phạm chính gây nên cảnh ùn tắc, cũng như rối loạn giao thông.
Dù vậy, cứ mỗi lần vấn đề hạn chế xe máy được ngành quản lý nhắc tới, một cuộc tranh cãi gay gắt lại được châm ngòi. Ở đó, bên cạnh những ý kiến tán đồng, có không ít phản ứng rằng việc “chia tay” xe máy không (hoặc chưa) phù hợp với điều kiện hiện tại.
Không phải họ luyến tiếc xe máy – loại phương tiện từng là ước mơ của bao gia đình cuối thế kỷ trước. Điều khiến một bộ phận lớn các cư dân đô thị muốn gắn bó với xe máy chính là sự cơ động tuyệt vời của nó.
Chỉ cần leo lên và phóng tới bất cứ nơi nào – tính “cá nhân” ấy rõ ràng giúp xe máy vượt trội so với ô tô con, chứ chưa nói tới các loại hình giao thông công cộng. Và, khi đã “bén rễ” trong xã hội suốt hàng chục năm, chiếc xe máykhông còn đơn thuần gắn với giao thông, mà còn trở thành phương tiện mưu sinh với rất nhiều gia đình.
Bởi thế, dù luôn nếm cảnh tắc đường giữa một biển xe máy ngập trong khói bụi, dù một số đô thị đã có kế hoạch hạn chế xe máy trong tương lai, vẫn rất nhiều người không muốn nghĩ về cái “tương lai” này.
***
Những gì đang diễn ra quanh chiếc xe máy cũng giống bài toán con gà – quả trứng. Còn được vận hành, xe máy sẽ “thắng tuyệt đối” các phương tiện giao thông công cộng. Và ngược lại, cộng đồng sẽ nói về sự chưa hoàn thiện của những hệ thống giao thông này, khi ngành quản lý muốn có biện pháp chủ động để hạn chế xe máy cá nhân.
Thực tế, việc hạn chế xe máy cũng là một tiền đề quan trọng để tăng không gian vận hành trên các trục đường cho những loại hình công cộng, đặc biệt là xe bus. Nhưng, muốn “phủ sóng” rộng rãi việc sử dụng các phương tiện ấy, câu chuyện không chỉ là bắt xe máy ngừng hoạt động và “nhường đường”.
Để hiệu quả, đó còn là những yêu cầu về bãi gửi xe máy (hoặc ô tô) được quy hoạch cạnh các trạm xe bus hoặc metro, giúp người dân có thể gửi xe và tiếp tục đi theo lộ trình của phương tiện công cộng. Là yêu cầu về vỉa hè thông thoáng và những lối đi bộ để tiếp cận trạm dừng một cách tiện lợi. Chưa kể, để thu hút nhiều người sử dụng và dần hạ giá thành về mức vé, không gian quanh các trạm BRT hay metro phải được quy hoạch để dành cho các hoạt động văn hóa, thương mại hoặc khu văn phòng...
Như thế, bài toán “bỏ xe máy” cùng gắn với 2 mệnh đề: nếu những công dân đô thị cần tạm biệt thói quen… lười vận động, có thể leo lên xe máy để phóng tới bất cứ đâu thì ngành quản lý lại cũng cần tổ chức được một mạng lưới giao thông công cộng đủ tiện lợi, văn minh và... rẻ để phục vụ cộng đồng.
Mỗi lần nhắc tới chuyện hạn chế xe máy, chúng ta lại có những phép thử về sự sẵn sàng cho 2 mệnh đề ấy.
Sơn Tùng