Phép màu cổ tích quanh chiếc váy cưới bị bỏ rơi
(Thethaovanhoa.vn) - Chiếc váy màu ngà lộng lẫy hiệu Fontana Sisters trứ danh đã chẳng được Audrey Hepburn diện vào ngày cưới mối tình đầu, vốn không bao giờ diễn ra. Tuy nhiên minh tinh Mỹ đã biến nỗi buồn cá nhân thành một cử chỉ vô cùng đẹp đẽ, giúp mang lại hạnh phúc tột bậc cho người khác.
Trong rất nhiều mối tình đã đi qua đời Audrey Hepburn, cuộc tình đầu diễn ra năm 1951 có lẽ ngang trái nhất. Đó là mối tình sét đánh, khi Hepburn yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên James Hanson, một doanh nhân trẻ người Anh.
Không có “thời gian để yêu”
Thời trẻ, Hanson giống một tay chơi thượng lưu hơn là doanh nhân, bởi ông chưa tập trung mấy cho sự nghiệp. Sau những năm tuổi 30, ông mới dần xây dựng nên tập đoàn Hanson plc, một đế chế kinh doanh hùng mạnh xuyên qua Đại Tây Dương.
Quyến rũ và giàu có, Hanson nổi tiếng với các cuộc tình cùng nhiều ngôi sao màn bạc. Ông thường xuyên xuất hiện trên báo chí lá cải, ôm trong tay các người đẹp Hollywood như Jean Simmons và Joan Collins.
Audrey Hepburn, dù nổi tiếng nhất và dường như cũng xinh đẹp nhất, chỉ là một trong số đó. Họ gặp nhau năm 1951, khi nàng là ngôi sao đang lên với vai diễn chính trong vở kịch Gigi của sân khấu Broadway. Đến tháng 12 năm đó, khi Hanson cầu hôn, người tình của ông gật đầu chóng vánh. Hepburn về sau nói tình yêu với Hanson là "sét đánh”.
Cho đến nay, ký ức về cuộc tình một thời của họ hầu như đã trôi tuột khỏi tâm trí mọi người, cũng như trong những bài báo hoài cổ, bởi về sau Hepburn có những cuộc tình nổi tiếng hơn nhiều.
Sự khác biệt văn hóa giữa vùng Huddersfield của nước Anh, quê nhà Hanson, và Hollywood, nơi Hepburn đắm chìm trong hào quang cùng những lời tán tụng, thật quá lớn lao. Không tình yêu nào có thể dung hòa.
Thiếu thời gian dành cho nhau cũng là thứ giết chết mối quan hệ của họ, chỉ kéo dài 1 năm ngắn ngủi. Hepburn nhận ra rằng cả hai sẽ mải theo đuổi sự nghiệp và cuộc sống riêng, đến nỗi nếu ở bên nhau, đó không phải là một cuộc hôn nhân đủ đầy.
Nàng từng nói: “Khi kết hôn, tôi muốn được kết hôn thực sự”. Ý của Hepburn là mong muốn được làm vợ, làm mẹ, có một người chồng luôn bên mình. Sau này, nàng cũng từ chối một người đàn ông khác, khi người đó không thể cho nàng hạnh phúc làm mẹ.
Chẳng ai rõ Hepburn – Hanson yêu nhau có thật tình lãng mạn hay say đắm. Tuy nhiên người ta nhớ tới mối quan hệ này vì một thứ khác, một chiếc váy cưới.
Món quà cho cô gái Italy nghèo khó và xinh đẹp nhất
Chị em nhà Fontana, chủ thương hiệu thời trang Fontana Sisters chuyên váy dạ hội và váy cưới, là một thương hiệu yêu thích của Hepburn. Năm 1952, khi Hepburn đến Rome, Italy, quay bộ phim tình cảm kinh điển Roman Holiday, nàng đã gặp chị em nhà Fontana và đặt may chiếc váy cưới.
Nhà thiết kế Signora Micol Fontana nhớ lại rằng, nữ diễn viên đang yêu trông “trẻ trung, tươi rói và đang ở đỉnh cao thế giới”. Nhưng kể cả nàng có hào hứng đến đâu, cuộc tình đó vẫn cứ vô duyên.
Không có đám cưới và không có câu “I do” (Em/anh đồng ý) nào hết. Sau khi đặt chiếc váy, Hepburn đã thay đổi ý định. Quyết định hủy cưới đến gần như cùng lúc với việc hoàn thành chiếc váy. Chiếc váy được trưng bày ở cửa hiệu Fontana Sisters. Một món đồ đẹp, nhưng người chủ của nó đã hết nhu cầu sử dụng.
Amabile Altobella đã trở thành cô gái may mắn ấy. Cô tới từ tỉnh Latina của Italy, đã đính hôn với một thanh niên nông dân tên Adelino Solda. Amabile nói rằng chiếc váy may mắn, một món quà như trong truyện cổ tích, đã mang đến cho mình cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Vợ chồng Amabile đã sống hạnh phúc mãi đến già, có 3 cô con gái và 5 đứa cháu. Cuộc hôn nhân của hai người giản dị và bền chặt, nhưng lại là chuyện quá đỗi hiếm hoi trong giới minh tinh tài tử. Chính "bà tiên" Hepburn sau này cũng không có hạnh phúc bền lâu, khi cả 2 cuộc hôn nhân của nàng đều kết thúc bằng phản bội và tan vỡ.
Mi Ly (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa