"Phát triển năng lực cảm xúc xã hội" - Cuốn sách nhiều cha mẹ ước gì đọc sớm hơn để giúp con tăng cường trí tuệ, cải thiện hành vi
Một buổi trưa, ngay sau giờ ra chơi, khi cả lớp chuẩn bị sẵn sàng cho tiết học tiếp theo, bỗng chị Đinh Thu Hồng (Hong Dinh) – thạc sĩ giáo dục, giảng viên tiểu học lâu năm tại Mỹ thấy một học sinh tiến đến, khóc nức nở. Con nhất định đòi cô gọi cho mẹ vì "đang thấy buồn quá".
Gặng hỏi mãi con vẫn không nói nên lời, còn khóc nấc lên, chị đưa học sinh ra ngoài cửa lớp, hỏi han, mới biết cô bé buồn khóc vì tự nhiên nhớ bố. Chị hỏi thăm bố con đi lâu chưa, công tác chừng nào về. Chị sẽ trao cho học sinh một chiếc ôm vỗ về, trong khi an ủi trẻ yên tâm, đi học về mẹ sẽ gọi cho bố để con nói chuyện, hiện chưa tiện vì đang là giờ làm...
Đây chỉ là một trong rất nhiều lần chị Thu Hồng xử lý tình huống tại trường lớp khi các bạn nhỏ bị ngợp bởi những cảm xúc lớn như buồn khổ, nhớ thương, cáu giận, bực bội, hứng khởi, mừng rỡ… Check in cảm xúc hay để ý tới cảm xúc của trẻ cũng là một trong những topic lớn được chị Thu Hồng viết rất kỹ trong cuốn sách mới xuất bản của mình là "Phát triển năng lực cảm xúc xã hội".
SEL - Học điều khiển cảm xúc và ứng xử xã hội
Khi được hỏi "Yếu tố nào dẫn đến thành công", nếu như nhiều năm trước, câu trả lời của phụ huynh có lẽ sẽ hầu như là IQ - chỉ số thông minh. Tuy nhiên thời gian gần đây, khái niệm SEL (Social & Emotional Learning) - năng lực cảm xúc xã hội đã dần được các bậc cha mẹ lưu tâm.
SEL nói ngắn gọn là cách giải quyết xung đột, cách quản lý những “cảm xúc lớn” như stress hay lo lắng, thất bại… SEL không dễ cân đếm đong đo như khi ta nói về những thứ có thể quy thành con số định lượng, ví dụ như điểm mấy, xếp hạng mấy, IELTS mấy chấm. Nhưng theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016, đối với công việc, 6/10 kỹ năng quan trọng nhất của tương lai liên quan đến năng lực cảm xúc xã hội.
Các chuyên gia tin rằng, những khủng hoảng như bộc phát cảm xúc hoặc trầm cảm, hành vi mâu thuẫn trong trường học và gia đình, hoặc những rắc rối giữa các cá nhân của trẻ đều liên quan đến "khả năng phi nhận thức" đã bị bỏ quên trong một thời gian dài.
Khả năng phi nhận thức rất quan trọng đối với cuộc sống, cho dù nó được gọi là tính cách, giáo dục cảm xúc hay SEL, khi trẻ không thể nhận ra cảm xúc và thiết lập các mối quan hệ tích cực giữa các cá nhân, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và sự nghiệp của trẻ trong tương lai.
Tin vui là SEL có thể được nâng cao bằng giáo dục. Tác giả Thu Hồng cũng cho biết, năm học 2022-23, tất cả các học khu tại Mỹ đều có những kế hoạch khác nhau để dạy và học SEL. Tại học khu của chị, thầy cô phải học vài lớp tập huấn SEL và thực hiện ít nhất 1-2 tiết học SEL mỗi tuần. SEL trở thành một trong những môn học phụ có thầy cô riêng chuyên đảm nhiệm (như nhạc, họa, thể dục).
Phát triển năng lực cảm xúc xã hội - cuốn sách không nặng lý thuyết
Phát triển năng lực cảm xúc xã hội không phải là một cuốn sách dài lê thê với những định nghĩa, khái niệm hay nghiên cứu, số liệu. Với 6 phần lớn, sách phân chia rõ ràng theo cấp học, thực hành tại trường, thực hành tại nhà, áp dụng cho người lớn, áp dụng cho trẻ em…
Cũng như hai cuốn sách xuất bản trước đó của tác giả Thu Hồng (Học kiểu Mỹ tại nhà, Học STEM kiểu Mỹ tại nhà), "Phát triển năng lực cảm xúc xã hội" sẽ không "lý thuyết suông" mà lồng ghép rất nhiều câu chuyện, tình huống... Những chỉ dẫn mạch lạc, cụ thể và hữu ích trong cuốn sách cô đọng này ai cũng có thể hiểu được và áp dụng được.
Phần 1 sẽ cho bạn hiểu thế nào là tổng quan về "Trí thông minh cảm xúc và giáo dục cảm xúc xã hội" như khái niệm, lịch sử, yêu cầu về môi trường thực hành SEL, Tác dụng của SEL (và EI) đối với cá nhân và cộng đồng.
Phần 2 đề cập đến các năng lực SEL cụ thể cho học sinh tiểu học. Trong phần này, rất có thể, sẽ có những mảnh ghép mà bạn vô tình tìm thấy, chúng giúp bạn thấu hiểu học trò, con cái mình hơn, dù các em đã trải qua độ tuổi này từ lâu.
Phần này bao gồm các mục: Năng lực tự nhận thức (cho cấp một); Năng lực tự quản lý cảm xúc (cho cấp một); Có ý thức xã hội (cho cấp một); Có kỹ năng duy trì quan hệ (cho cấp một); Ra quyết định có trách nhiệm (cho cấp một).
Phần 3 đề cập đến các năng lực SEL cụ thể cho học sinh trung học, giúp người lớn hỗ trợ lứa tuổi này tiến dần vào xã hội một cách bình ổn và vững vàng. Các mục của phần 3 tương tự phần 2, đối tượng thay vì cấp 1 sẽ là học sinh cấp 2-3.
Phần 4 là những ví dụ và chỉ dẫn thực hành giáo dục cảm xúc ở trường lớp. Trong đó có 24 mục nhỏ với những nội dung đáng chú ý như Check-in cảm xúc mỗi ngày; Giáo dục nhân cách cho trẻ; Dạy về lòng tốt và sự tử tế; Dạy trẻ trở thành công dân tốt; Dạy trò rằng ai cũng đặc biệt; Dạy chấp nhận những góc nhìn khác nhau; Xây dựng Vòng tròn trách nhiệm; Xử lý học sinh ngỗ nghịch; Xử lý khi có xích mích trong lớp? Rèn kỹ năng làm việc nhóm; Dạy cách bày tỏ ý kiến khi thảo luận...
Phần 5 là một "người bạn" tuyệt vời để mỗi chúng ta thực hành phương châm "SEL ở đây, SEL bây giờ" tại nhà cho cả chính mình lẫn cho con. Người lớn tự chăm sóc bản thân trước nhất. Trẻ thực hành giáo dục cảm xúc xã hội tại nhà với sự hỗ trợ của người lớn
Phần 6 và hai phụ lục là cách giáo dục cảm xúc xã hội cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt và các tài liệu phong phú đi kèm để bạn đào sâu tìm tòi. Trẻ sẽ có cơ hội hiểu thêm về nhu cầu cảm xúc xã hội của những người bạn khác – những bạn mà các em có thể giúp đỡ, và cả những bạn vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ các em.
Tác giả phân tích kỹ lưỡng từng năng lực cảm xúc xã hội phù hợp với từng lứa tuổi, đưa ra nhiều minh họa, diễn giải dẫn chứng thực hành đơn giản và gần gũi; giúp cuốn sách này trở thành cẩm nang tìm hiểu về cảm xúc xã hội và nội tâm chính mình.
Những tình huống thường gặp
Trong cuốn sách, bạn sẽ bắt gặp nhiều tình huống có thể mình đã từng trải qua nhưng chưa biết ứng xử ra sao, hoặc từng chọn cách ứng xử chưa hợp lý. Cuốn sách cũng mang đến các bài tập và phương pháp cụ thể để nâng cao các năng lực như tự nhận thức, tự quản lý cảm xúc, ý thức xã hội, kỹ năng duy trì quan hệ và ra quyết định có trách nhiệm.
Chẳng hạn với mục Mình có thể thấu cảm thuộc phần năng lực SEL cụ thể cho học sinh tiểu học, sau phần giải thích qua về thấu cảm, tác giả đưa ra một vài tình huống giúp nhận biết cảm xúc của người khác và giúp đặt mình vào vị trí của họ.
- Con mèo của cậu bạn thân mới mất cuối tuần vừa rồi. Con sẽ cảm thấy thế nào trong tình huống đó? Con sẽ nói điều gì với bạn ấy để bạn thấy rằng con hiểu cảm xúc của bạn ấy?
- Em gái tớ mới đánh mất món đồ chơi yêu thích. Tớ biết em sẽ khó chịu và thất vọng lắm, vì tớ cũng từng bị như vậy?...
Bạn cũng có thể tham khảo vài câu nói được tác giả gợi ý để giúp con thể hiện sự thấu cảm: Chẳng có lý do gì để mà buồn cả; Tớ rất tiếc nếu bạn cảm thấy như vậy; Giỏi lắm, mình biết cậu đã học chăm chỉ đến thế nào; Tại sao cậu không lờ cô ấy đi? Bên cạnh đó, trau dồi khả năng lắng nghe đồng cảm, tôn trọng và đề cao sự đa dạng cũng là những nội dung mà chị Đinh Thu Hồng đưa ra để giúp trẻ tăng khả năng thấu cảm.
Với mục Có kỹ năng duy trì quan hệ, con sẽ học được cách hợp tác với người khác, biết đề nghị giúp đỡ; có tinh thần làm việc nhóm; biết khen các bạn hay tận dụng nguồn lực từ các nhóm hỗ trợ thông qua những tình huống và ví dụ cụ thể mà tác giả chia sẻ.
Cuốn sách đưa ra những kinh nghiệm thực hành giáo dục cảm xúc xã hội tại nhà để các bậc phụ huynh. Nhiều trang web hay, các bài test tính cách... được gợi ý giúp người lớn hiểu rõ để tự chăm sóc bản thân mình, từ đó hỗ trợ trẻ phát triển trí thông minh cảm xúc.
Phát triển năng lực cảm xúc xã hội sẽ là một cuốn sách sau khi đọc xong bạn ước mình đọc sớm hơn. Dù bạn là cha mẹ, giáo viên hay học sinh; bạn sẽ tìm thấy ở đây những phương pháp rành mạch để kiện toàn thể chất, cải thiện thái độ và hành vi, giải quyết xung đột; quản lý những cảm xúc lớn như stress hoặc lo âu. Ngoài ra, còn tăng cường phát triển trí tuệ và học tập tốt hơn, hòa nhập cộng đồng và xây dựng bản ngã cá nhân lâu bền.
Nói như Thạc sĩ Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLad Asia: "Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn những lát cắt nội tâm của chính mình, thấu hiểu hơn cảm xúc bản thân, xây dựng và phát triển những mối quan hệ với nền tảng là sự thấu cảm, sẻ chia và niềm tin yêu, tôi xin mời bạn tiếp tục với cuốn sách này".
Tên sách: Phát triển năng lực cảm xúc xã hội
Tác giả: Đinh Thu Hồng (Hong Dinh)
Nhà phát hành: Nhã Nam
Hình thức: Bìa mềm, nội dung sách in đen trắng
Đối tượng đọc: Các bậc phụ huynh
Chấm điểm: 8/10