Phát lộc gây lộn xộn tại chùa Hương: Lễ hội phải nằm trong kịch bản
(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi xảy ra việc nhà sư tại chùa Hương phát lộc cho khách sau lễ khai mạc lễ hội chùa Hương ngày 2/2 gây ra sự lộn xộn, tranh giành lộc gây phản cảm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị huyện Mỹ Đức và Ban tổ chức lễ hội chùa Hương chấn chỉnh, không để tái diễn sự việc này.
- Việc phát lộc gây lộn xộn tại chùa Hương là tự phát
- Thực hư chuyện sư ông 'phát lộc' tại chùa Hương phải sám hối
- 'Cướp lộc' ở Lễ khai hội chùa Hương là hành động 'điên rồ'
Ngay sau đó ông Trương Minh Tiến đã trao đổi với chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức yêu cầu chấn chỉnh bởi bất kỳ hoạt động nào của lễ hội cũng phải có trong kịch bản và phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Các đại biểu dâng hương trong lễ khai hội. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức cũng cho biết, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương vừa có công văn gửi sư trụ trì chùa Hương, đề nghị sư trụ trì nhắc nhở nhà sư phát lộc gây tình trạng lộn xộn, tranh giành lộc và tránh để xảy ra việc tương tự...
Lộc do nhà sư Thích Đạo Trụ phát là một hạt nhựa trong lồng hình Phật bà, có dây đeo vào cổ. Ban đầu nhà sư phát từng người một nhưng do lượng người xin lộc đông nên sư đã đứng trên bục cao tung xuống khiến mọi người xô nhau tranh giành, gây phản cảm.
Cũng trong ngày 3/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có công văn gửi các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý lễ hội năm 2017. Công văn nêu rõ, tại một số địa phương, công tác quản lý lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017 còn chưa tốt.
Để đảm bảo việc tổ chức lễ hội diễn ra an toàn, khắc phục những tồn tại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện thị xã nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội, kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội.
Đồng thời, các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, đảm bảo an toàn cho các hoạt động diễn ra tại lễ hội. Đối với các lễ hội có tổ chức đoàn rước qua sông, đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phân luồng, tuyến tàu thuyền qua sông, đảm bảo không xảy ra ùn tắc, va chạm, bố trí đầy đủ phao cứu sinh, xuồng cứu hộ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn thường trực trong quá trình tổ chức.
Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát các loại thực phẩm hàng ăn uống được bán tại nơi diễn ra lễ hội, đảm bảo không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bố trí lực lượng thu gom rác thải kịp thời, xử lý triệt để các hiện tượng lợi dụng lễ hội để kinh doanh trái phép.