'Pháp lực' và 'lưới trời'
(Thethaovanhoa.vn) - Tượng Phật bà “Nghìn tay nghìn mắt” ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) sau hơn một tuần lễ bị mất cắp, bỗng nhiên xuất hiện trở lại ven Quốc lộ 5B, cách chùa khoảng 8 cây số. Ở đây, không có gì huyền bí cả, chắc chắn là do đám đạo chích biết không thể “nuốt trôi” nên đành phải trả lại.
- Tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt: Của Bụt mất một, đền mười...
- Đã tìm thấy tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt chùa Mễ Sở bên vệ đường quốc lộ 5B
Có một lý do để tin rằng “nhân duyên” của pho tượng với ngôi chùa này chưa thể hết, và chuyện “Châu sẽ về Hợp phố” sẽ lặp lại. Bởi 25 năm trước, chính pho tượng này cũng từng bị đánh cắp, nhưng sau đó đã được tìm thấy, lại về an vị nơi bệ thờ, với nghìn tay, nghìn mắt che chở cho thế gian…
Trong tâm thức dân gian, tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt rất đỗi linh thiêng với nhiều phép thuật. Ngoài hai bàn tay giữ ấn quyết nhà Phật, các tay còn lại của Phật bà đều cầm những pháp bảo để thuần hóa quỷ dữ hoặc cứu vớt chúng sinh… Tượng vừa hiền hòa vừa uy nghi, thiện nam thiện nữ gặp tượng Phật bà thì hoan hỉ; kẻ bất lương, quỷ sứ gặp Phật bà thì sợ hãi.
Tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt trước lúc bị trộm
Và niềm tin “Châu về Hợp Phố” ấy đã thành hiện thực. Đám đạo chích ấy đã phải trả lại pho tượng, tất nhiên không phải bởi một phép thuật nào, mà bởi ngay sau khi vụ việc xảy ra, dư luận đã rầm rộ lên án. Cơ quan chức năng điều tra quyết liệt. Đáng chú ý là Cục Di sản Văn hóa còn đề nghị gửi hồ sơ pho tượng cho Interpol để truy tìm trên bình diện quốc tế. Nghĩa là, đám đạo chính đã sợ hãi khi cả “lưới trời lồng lộng” của pháp luật lẫn“nghìn tay, nghìn mắt” của nhân dân đều bủa vây chúng khắp chốn...
Lưới trời và lòng người đã tạo ra “pháp lực” để tìm lại pho tượng.
Câu hỏi đặt ra là giả sử như pho tượng bị mất cắp không phải là tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt quá nổi tiếng và có đầy đủ hồ sơ lưu lại; giả sử như dư luận không rầm rộ lên án và giả sử như các cơ quan chức năng không giăng lưới trời lồng lộng thì sao? Hẳn rằng pho tượng đã bị biến thành một món hàng trôi nổi đến những phương trời xa nào đó.
Tôi nói điều này không phải võ đoán. Theo thông tin trên báo Văn hóa, khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra khoảng 10 vụ mất cắp cổ vật. Và chưa có vụ nào truy tìm được (trừ pho tượng Phật Bà kể trên). Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra 62 vụ mất cắp với hơn 250 cổ vật rất có giá trị. Nhiều vụ mất cắp xảy ra một cách táo tợn và tinh vi. Đến nay những cổ vật bị mất cắp ấy vẫn không để lại một dấu hình.
Ngoài ra, còn một số vụ điển hình như tại chùa Tây Phương (Hà Nội) bị mất tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay; chùa Ngô Xá (Nam Định) mất đầu tượng Phật gần nghìn năm tuổi; chùa Nền (Hà Nội) mất 10 cổ vật có niên đại từ thế kỷ 13…
***
Các vụ mất cắp cổ vật cho thấy, việc tăng cường an ninh cho di tích thôi chưa đủ (một khi trộm cắp đã chuyên nghiệp như thế thì ngay cả biệt phủ có bảo vệ canh gác, chúng cũng đột nhập được). Quan trọng là phải giăng được “lưới trời” và phát huy “nghìn tay, nghìn mắt” của nhân dân.
Muốn thế, việc lập hồ sơ khoa học để nhận dạng cổ vật phải được thực hiện đầy đủ, giống như mỗi con người, phải có chứng minh thư (hay thậm chí là hộ chiếu) thì mới có đủ thông tin để truy tìm khi bị mất tích.
Đấy là lý do mà ngành Di sản văn hóa trong nhiều năm qua đã tổ chức làm “hộ chiếu quốc tế” cho các cổ vật bằng chương trình Object ID. Đó là phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật tại các bảo tàng và di tích lịch sử văn hóa”. Nhờ Object ID, các cơ quan chức năng, kể cả interpol cũng sẽ dễ dàng nhận diện được cổ vật bị đánh cắp và tiến hành truy tìm chúng trên bình diện quốc tế.
***
Trở lại với vụ đánh cắp tượng Phật bà Nghìn tay nghìn mắt. Dù đám đạo chích có “bỏ của chạy lấy người” nhưng tội ác của chúng thì vẫn đáng bị trời tru, đất diệt. “Nhân quả” phải thực hiện ngay trong kiếp này: Cần điều tra tới cùng để “lôi” chúng ra ánh sáng.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa