Phan Cẩm Thượng: 'Phượt thủ văn hóa' vì văn hóa
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, cuốn sách Nghệ thuật ngày thường tập 2 của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng lại tái bản và có buổi "tái ngộ" bạn đọc qua một cuộc tọa đàm thú vị tại quán “Ơ kìa Hà Nội”.
Qua buổi giới thiệu sách này, công chúng một lần nữa hiểu thêm về Phan Cẩm Thượng - người dành cả cuộc đời cho nghệ thuật, được ví như là một "phượt thủ văn hóa vì văn hóa, nghệ thuật" dân tộc.
30 năm, chỉ ở nhà được 3 năm
Nghệ thuật ngày thường tập 1 (xuất bản 2008) tập hợp các bài viết trong giai đoạn 1999 - 2008 của tác giả. Trong đó ông đặt ra 4 vấn đề: "Suy nghĩ về nghệ thuật", "Nghệ thuật ngày thường" (chủ yếu giới thiệu các họa sĩ), "Tản văn nhàn đàm" và "Nông thôn và kiến trúc".
Nghệ thuật ngày thường tập 2 là những bài viết trong giai đoạn từ 2009 - 2014, vẫn giữ 2 chủ đề "Suy nghĩ về nghệ thuật" và "Nghệ thuật ngày thường".
Để có được 2 công trình này, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã phải “rày đây mai đó” trong nhiều năm để nghiên cứu. Ông kể, những năm 80 của thế kỷ trước ông đi dạy học, sống ở nhiều nơi. “Có thể nói là trong 30 năm qua, thời gian tôi ở nhà được khoảng 3 năm, còn lại 27 năm kia thì cứ lang thang ở trên đường, sống rất vạ vật để theo đuổi cái mà mình muốn... Tôi có thể vài ngày không tắm, không ăn, thậm chí không… đại tiện” - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói. “Nó là cái định mệnh, không biết đấy là hay, hay là giở nhưng mà về sau thấy là hay vì mình thấy, mình biết được rất nhiều điều”.
Và trong cái thấy và biết nhiều ấy, Phan Cẩm Thượng thấy nổi lên 3 vấn đề lớn tác động đến đời sống nước nhà. Đó là: “công nghiệp hóa”, “đô thị hóa” và “toàn cầu hóa”.
“Ba cái này tác động đến xã hội nước ta một cách toàn diện sau chiến tranh và nó ảnh hưởng đến từng gia đình, từng con người một và đối tượng bị tác động đầu tiên chính là những người nông dân và các làng xã” - ông Thượng nói tiếp. “Con người trong 3 cái quá trình này nó như thế nào và cái đấy nó tạo ra cái gì, thì khi viết, tôi cố gắng viết thật dễ hiểu và thông qua những câu chuyện để hiểu xã hội Việt Nam”.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai cho rằng, Phan Cẩm Thượng - người và chữ, cũng cho ta thấy kỳ thú như là “kỳ hoa, dị thảo, quái thạch, cổ thi” vậy. Phan Cẩm Thượng tư duy từ văn hóa, văn hiến, tâm trạng, tâm linh mà cũng chẳng xa lạ gì với thế giới phẳng…”.
Phượt văn hóa theo một cách dân dã
Nhà phê bình Nguyễn Quân đánh giá Nghệ thuật ngày thường của Phan Cẩm Thượng là để cảm nhận, để thưởng thức, để truy tìm cái đẹp của đời sống hàng ngày. “Nhưng khi đọc kỹ thì vẫn có những triết lý rất sâu xa, một cái thái độ nhất quán đối với cuộc đời” - ông Quân nói. “Và cái tôi thích ở ông ấy là chẳng trăn trở gì cả và cũng không ham hố, lập nghiệp, lập chí gì trong việc này. Ông ý thích thú với bản thân về việc viết của ông ấy, đấy là một thái độ tiệm cận, dấn thân rất đường hoàng mà sâu sắc, như của một thiền sư vậy”.
Ông Quân cũng cho rằng, trong 3 thái độ sống: thẩm mỹ, đạo đức và tôn giáo thì Phan Cẩm Thượng có lẽ theo thái độ thẩm mỹ một cách triệt để. “Dẫu vậy anh không thờ phụng, cũng không tìm hiểu và yêu nghệ thuật một cách vồ vập” - ông Quân nói. “Nghĩa là ta đừng yêu nghệ thuật quá nhưng hãy sống có nghệ thuật thì ta sẽ có được cả hai thái độ kia: thái độ đạo đức và thái độ tôn giáo”.
“Nếu hiểu phượt là dám đi, dám tìm đến những nơi khuất nẻo khó khăn rồi dám kêu gọi mọi người tham gia vào cái hành trình đó của mình thì có thể gọi đó là phượt văn hóa theo một cách dân dã như vậy” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Bộ sách này của Phan Cẩm Thượng là sự tiếp tục mạnh nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân tộc của anh nhưng được viết dưới dạng phổ cập, phổ biến, dễ đọc, thích thú cho mọi người và đây cũng là cách anh chọn để đưa những điều mình tâm huyết, đưa những điều mình tìm hiểu, nghiên cứu được đến gần hơn với mọi người. Và có thể coi hai tập Nghệ thuật ngày thường là sự dẫn dắt để đi vào ngôi nhà nghiên cứu nghệ thuật của anh”.
Qua những câu chuyện bằng trải nghiệm thực tế, Phan Cẩm Thượng muốn nhìn thấy cái thay đổi, cái hoạt động nhân văn của con người Việt Nam, đó cũng chính là mục tiêu của hai cuốn sách Nghệ thuật ngày thường được đúc kết qua hơn 30 năm lăn lộn của tác giả” - ông Nguyên kết luận.
“Nghệ thuật ngày thường” cho tất cả mọi người “Căn cốt của người Việt Nam là yêu nghệ thuật. Ngày nay, nghệ thuật không còn là tháp ngà dành cho một số ít người. Nghệ thuật xét cho cùng là xuất hiện ở mọi ngõ ngách của ngày thường. Đọc sách của Phan Cẩm Thượng để tin hơn, rằng ở trong đời thường này luôn tồn tại những thứ nghệ thuật khác nhau, để mình yêu, để mình phỉ báng, để mình hoang mang, để mình lựa chọn… Với ý nghĩa đó, Nghệ thuật ngày thường của Phan Cẩm Thượng là sách dành cho số đông, chứ không phải chỉ dành cho những người trong giới hạn lĩnh vực chuyên môn hẹp” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. |
Bích Phương