PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường: 'Nhật ký trên khóa sol' - Nhật ký âm nhạc của cuộc đời
(Thethaovanhoa.vn) - Nhật ký trên khóa sol là tuyển tập các ca khúc & hợp xướng của PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường vừa ra mắt cuối tuần qua tại Hà Nội. Được sáng tác từ năm 1959 đến 2020, tuyển tập như một cuốn nhật ký bằng âm thanh, ghi lại những kỷ niệm trong cuộc đời làm nghệ thuật và khảo cổ của “nhà khoa học chơi nhạc” này. 60 năm tự nhận là “tay trái” trong nghề, bản thân ông cũng không nghĩ rằng, sự nghiệp âm nhạc của mình lại kéo dài đến thế.
“Năm 1951, khi tôi 10 tuổi bắt đầu làm quen với các nốt nhạc tại khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Thầy dạy nhạc chúng tôi là: nhạc sĩ Túc Nhân Kim - người Hoa, thầy Phạm Tuyên và Nguyễn Hữu Hiếu. Cuối năm 1958, tôi về nước, sau đó học lớp 9, 10 tại Trường Phổ thông 3A (Trường Việt - Đức bây giờ).
Chính tại mái trường này, ca khúc đầu tiên của tôi Tiếng hát bản Mường ra đời năm 1959, khi tôi tròn 19 tuổi. 1 năm sau đó, bản hợp xướng Tiếng ca trên bè gỗ do tôi sáng tác, phối cho cả dàn nhạc đoạt giải Nhất trong Hội diễn của sinh viên và học sinh toàn thành” - nhạc sĩ Lân Cường.
Nhật ký âm nhạc dày thêm sau mỗi chuyến công tác
Từ năm 19 tuổi với sản phẩm âm nhạc đầu tiên, mối “duyên” của Lân Cường với âm nhạc ngày càng bén rễ, bền chặt và trở thành thứ không thể tách rời. Ít ai biết được, nhạc sĩ Lân Cường không hề xuất thân từ một trường dạy nhạc chuyên nghiệp, “vốn liếng” của ông là niềm đam mê, sự trau dồi và những cuộc hành trình dài làm cảm hứng sáng tác.
Ông kể: “Mỗi chuyến đi công tác đều có những kỷ niệm không sao quên được. Nhật ký âm nhạc của tôi cũng dày thêm, đầy thêm từng ngày. Mùa Đông năm 1966, tôi đến bản Tu San, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Tôi gặp 1 cháu bé và hỏi cháu sau này con muốn làm gì? Cháu nói cháu thích làm cô giáo vì nơi cháu ở các cô giáo miền xuôi không lên, toàn các chú bộ đội dạy học. Câu chuyện ấy cứ in sâu vào tâm can tôi và thế là 2 ca khúc Con thích làm nghề gì? và Chú bộ đội dạy em cái chữ ra đời.
Hay một lần tôi tới Trại cai nghiện 05 - 06 và trò chuyện với em B.N. Thật xúc động khi nghe em kể về cuộc đời mình, ngay đêm ấy tôi đã viết ca khúc Về đi em - tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và của Sở Tư pháp Hà Nội.
Sau mỗi chuyến đi, thỉnh thoảng tôi lại ghi Nhật ký trên khóa Sol, đó là câu chuyện âm nhạc của riêng tôi, cũng là một phần trải nghiệm của tôi trong cuộc sống”.
PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: “Những sự việc đã qua, những con người đã gặp được anh ghi nhớ, nghiền ngẫm và ghi chép vào quyển nhật ký bằng âm thanh, để chuyển thành hình tượng, giai điệu, kết tinh thành những bài ca chân thực, lắng đọng, chạm đến tình cảm người nghe. Địa chỉ các tác phẩm và anh hướng tới là công chúng yêu nhạc từ người già cho đến em thơ”.
“Một tiêu chuẩn của nhạc sĩ chuyên nghiệp”
Được coi là tuyển tập thu gọn những nhạc phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Lân Cường, Nhật ký trên khóa Sol bao gồm nhiều thể loại, từ hợp xướng, ca khúc cho thanh niên, sinh viên, công nhân, thiếu nhi, những bài hát về Đảng, về Bác và cả những bài ca hữu nghị.
PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận xét: “Chất âm nhạc trong nhạc sĩ Lân Cường toát lên tính trẻ, yêu đời, lạc quan… Đối với các cháu thiếu nhi là những bài ca giản dị, mộc mạc, ngắn gọn có ý nghĩa giáo dục. Anh đã sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân ca các dân tộc, từ dân tộc Thái, Mông, Tây Nguyên… và bao trùm lên tất cả là âm hưởng của nền âm nhạc mới mà anh đã tiếp thu từ các thế hệ đi trước như Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Văn Ký, Trần Hoàn…
Anh sử dụng hầu hết các tốc độ trong âm nhạc để thể hiện tình cảm trong từng tác phẩm cụ thể. Ví dụ adagio, allegretto hoặc hơi nhanh, vừa phải, chậm… chỉ dẫn cho diễn viên biểu diễn chuẩn xác và đạt hiệu quả tốt nhất. Bao giờ anh cũng chỉ rõ trên lề trái bản phổ tốc độ - sắc thái. Điều này là một tiêu chuẩn của một nhạc sĩ chuyên nghiệp”.
Đặc biệt hơn cả, từ những câu chuyện riêng của cuộc đời mình, Nguyễn Lân Cường gọt dũa, “hoài thai” thành những khúc ca mang đậm hơi thở “thời đại”. Nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi nhớ chính những năm đất nước còn chia cắt, tôi đã viết 2 bản hợp xướng Sóng cuộn và Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo. Trường phổ thông 3A đã dàn dựng và biểu diễn. Tôi còn giữ bản thảo cho đến khi chiến tranh phá hoại thì bị thất lạc, đến nay vẫn không thể phục hồi. Mỗi công việc tôi làm, mỗi mảnh đất tôi qua, mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước đều là những chất liệu tuyệt vời cho sáng tác.
Đầu tháng 4/2020, khi cả nước oằn mình chống dịch Covid-19, tôi hoàn thành ca khúc Chiều nay nếu anh không về, phỏng theo ý thơ của Vũ Tuấn. Ca khúc được phát trên Đài Truyền hình Hà Nội và thông tin trên một số báo đài. Mấy ngày sau, tôi nhận được điện thoại của nhiếp ảnh gia Lê Thành (giám đốc một công ty chuyên về máy ảnh), anh Thành rất thích bài hát của tôi và tặng tôi một chiếc máy quay làm kỷ niệm. Tôi cảm động quá! Cảm động khi tôi làm được một việc có ích, âm nhạc của mình có sức lan tỏa.
Tôi luôn quan niệm, âm nhạc cần song hành cùng thời đại, đặt trong nguyên tắc kế thừa và cách tân trên 2 khía cạnh hình thức và nội dung. Niềm hạnh phúc của tôi là thông qua âm nhạc, khán giả có thể cảm nhận, thức tỉnh và thay đổi”.
- PGS Nguyễn Lân Cường được bầu làm Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2023
- PGS Nguyễn Lân Cường: Dùng âm nhạc để “chấn chỉnh” giao thông
- PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Ông “đào mộ cổ” có trái tim nghệ sĩ
“Nhật ký trên khóa sol” sẽ không có điểm kết thúc
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, ngoài cái tên Nguyễn Lân Cường, bạn bè, đồng nghiệp thường gọi ông là “người thừa năng lượng”. Bởi lẽ, niềm đam mê, khao khát cống hiến trong ông vẫn rực rỡ, đẹp đẽ như thuở đầu.
“Cứ thế đều đặn 60 năm, tôi vẫn sáng tác, tròn với con số 60 tác phẩm tôi để lại cho đời. Vinh dự trong số đó có 14 giải thưởng âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, UNICEF, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Sở Tư pháp Hà Nội, Bộ Tư lệnh Hải quân trao cho. Với tôi, đó cũng chỉ là một “viên đá cuội nhỏ nhoi” trong ngọn núi đồ sộ của nền âm nhạc nước nhà” - ông tâm sự.
“Sau cuốn sách này ra mắt bạn đọc, tôi có dự định sẽ dành những năm cuối đời mình để hoàn thành 3 chương của bản giao hưởng Lịch sử mà tôi ấp ủ mấy năm nay. Cụ thể hơn, đó là tác phẩm Nguyễn Trãi với 3 chương: Dưới cờ khởi nghĩa Lam Sơn, Nỗi oan Lệ Chi Viên và Sống mãi với non sông. Tôi cũng đang cố gắng để ngày 23/12/2021 sẽ tổ chức được đêm nhạc với chính tiêu đề Nhật ký trên khóa sol đúng dịp sinh nhật 80 tuổi. Tôi nhận thức được mình là “nhà khoa học chơi nhạc”, sẽ có những thiếu sót, vụng về và tôi mong rằng, các thầy, các nhạc sĩ, bạn bè gần xa sẽ chỉ giáo cho tôi để hoàn thiện điều đó”.
Cuộc hành trình 60 năm với đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố được chính Nguyễn Lân Cường trải nghiệm, chắt chiu và kết tinh thành những giai điệu thật đẹp. Ở ngưỡng bát tuần, ông “được phép” hài lòng, nhưng người nhạc sĩ “thừa năng lượng” ấy vẫn sẵn sàng đi tiếp, viết tiếp, như lời nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân từng nói: “Trong âm nhạc có 7 nốt: Đô, rê, mi, fa, sol, la, si và nốt thứ 8 lại quay lại nốt đô nhưng đã cao hơn một bát độ. Tôi liên tưởng tới sự nghiệp âm nhạc của anh, từng bước, bước sau cao hơn bước trước, và khi bước tới nốt thứ 8 là lúc anh đã đạt tới cung bậc mới trong tiến trình sáng tạo tuổi 80 của mình”.
Nhật ký trên khóa sol sẽ không có điểm kết thúc…
Dự định và cố gắng… Tôi có dự định sẽ dành những năm cuối đời mình để hoàn thành 3 chương của bản giao hưởng Lịch sử mà tôi ấp ủ mấy năm nay. Cụ thể hơn, đó là tác phẩm Nguyễn Trãi với 3 chương: Dưới cờ khởi nghĩa Lam Sơn, Nỗi oan Lệ Chi Viên và Sống mãi với non sông. Tôi cũng đang cố gắng để ngày 23/12/2021 sẽ tổ chức được đêm nhạc với chính tiêu đề Nhật ký trên khóa sol đúng dịp sinh nhật 80 tuổi. |
Hiền Lương